Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Gỗ An Cường và bài toán lấp đầy công suất
Thanh Thủy - 14/10/2022 08:12
 
Tân binh sàn HoSE niêm yết cổ phiếu giữa cơn gió nghịch thị trường gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Dù giữ được đà tăng trưởng trong quý III, tăng doanh thu, nâng công suất sản xuất vẫn là nhiệm vụ lớn của doanh nghiệp này.

Tăng trưởng giữa cơn gió nghịch

Theo số liệu ước tính từ Công ty cổ phần Gỗ An Cường, doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt 3.075 tỷ đồng, hoàn thành 72,5% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng, hoàn thành gần 80% kế hoạch lợi nhuận năm. Tính riêng trong quý III, An Cường ước đạt doanh thu thuần gần 1.200 tỷ đồng và hơn 155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều gấp 2,2 - 2,3 lần so với mức so sánh thấp đột biến cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu quý này cao hơn đáng kể quý liền trước và cũng là mức cao nhất trong 6 quý gần đây. Tuy nhiên, biên lợi nhuận giảm khá.

Mức tăng trưởng của An Cường đáng chú ý trong bối cảnh thị trường ngành gỗ gặp nhiều khó khăn ở quý III này.

Cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đến giữa tháng 9/2022 đạt gần 8,15 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu các tháng giữa năm quay đầu giảm, đáng chú ý, giảm tới hơn 19% trong tháng 7 và cũng mới nhích lên nhẹ ở tháng 8 và nửa đầu tháng 9.

Lạm phát cao ở nhiều quốc gia cùng chi phí sản xuất, vận chuyển và sinh hoạt trở nên đắt đỏ đã kéo cầu tiêu dùng đặc biệt đối với các nhóm hàng hoá không thiết yếu giảm. Nhu cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và EU có nhiều biến động. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ với tỷ trọng 56% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Theo ông Trần Lương Thanh Tùng, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Gỗ An Cường, thị trường sản phẩm từ gỗ tại Mỹ đang đối diện với tình hình nhu cầu giảm do lạm phát, trong khi tồn kho cao tác động hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ. Hoạt động xuất khẩu qua kênh các nhà bán lẻ của An Cường đang chịu ảnh hưởng, trong khi kênh bán qua các đơn vị triển khai dự án chưa giảm.

Bài toán thừa công suất

Khác với nhiều doanh nghiệp gỗ xuất khẩu khác, An Cường kinh doanh gỗ công nghiệp, đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu/doanh thu hiện chỉ chiếm khoảng 16% tổng doanh thu. Do đó, động lực chính cho tăng trưởng của An Cường đến từ sự hồi phục của thị trường nội địa mới.

Thị trường xuất khẩu thực tế chỉ được An Cường tập trung tiếp cận vài năm gần đây. Năm 2018, công suất sản xuất vượt 20% công suất thiết kế, tỷ trọng xuất khẩu chỉ khoảng 6%. Tuy nhiên, đến năm 2019, sau khi nhà máy thứ hai đưa vào hoạt động qua đó nâng gấp đôi công suất thiết kế, Gỗ An Cường đã chuyển sang thừa công suất.

Ông Tùng cho biết công suất bình quân năm 2022 của cả 2 nhà máy dự kiến khoảng 70-75%. Trong khi cao điểm doanh thu tập trung vào quý III và IV, doanh số nửa đầu năm thường thấp do nhu cầu sửa nhà ít hơn.

Mục tiêu Gỗ An Cường đề ra cho năm 2025 là nâng tổng doanh thu lên 300 triệu USD, đồng thời, tăng thị phần tại thị trường nội địa lên 70% từ mức 55% hiện tại. Mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong các chiến lược giải bài toán nâng công suất sản xuất tại An Cường. Lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận biên lợi nhuận gộp ở kênh xuất khẩu hiện chỉ khoảng 10%, mức trên không cao so với các kênh khác và cũng thấp hơn nếu so sánh với mức biên lãi ròng 5-7% của các doanh nghiệp khác.

Dù vậy, kênh xuất khẩu được kỳ vọng sẽ ổn định và tiếp tục mở rộng thời gian tới. Tháng 7/2022, Gỗ An Cường đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Sumitomo Forestry America cung cấp toàn bộ nội thất cho các dự án mà công ty này đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi với mục tiêu doanh số sẽ tăng lên 50 triệu USD vào năm 2025. Sau 2 năm chuẩn bị và cũng là khi thị hiếu tiêu dùng có sự dịch chuyển từ gỗ tự nhiên sang gỗ công nghiệp, cái bắt tay giữa hai đơn vị mới được hoàn tất. 

Ngoài xuất khẩu, kênh bán hàng chủ lực của An Cường còn thông qua thi công của nhà thầu, nhà phân phối và đại lý với hơn 10.000 đơn vị đóng góp 69% doanh thu; các nhà phát triển bất động sản (11%) và khách hàng trực tiếp (5%).

Cũng nhằm mục tiêu mở rộng nhanh, An Cường xây dựng hệ thống showroom thông qua mô hình nhượng quyền thay vì trực tiếp bỏ vốn. Công ty có tham vọng phủ đầy các tỉnh thành tại tháng 6/2024, từ con số 30/63 tỉnh thành ở thời điểm hiện tại.

Để nâng công suất trong các quý thấp điểm, giải pháp chào các đơn hàng giá ưu đãi cũng được Gỗ An Cường thực hiện. Công ty chấp nhận biên lợi nhuận thấp để các đối tác đặt sản xuất trong nửa đầu năm cho các dự án cuối năm.

Ở thời điểm hiện tại, hai nhà máy tại An Cường chưa được sử dụng hết công suất. Theo ông Trần Lương Thanh Tùng, việc dư thừa công suất hiện tại sẽ giúp An Cường không cần đầu tư mới cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu tham vọng đề ra mà chỉ cần đợi doanh số và thị trường về để “thu hoạch”. Tuy vậy, biên lợi nhuận ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng.

Thị trường ngành gỗ công nghiệp có cơ hội mở rộng hơn nhờ xu hướng dịch chuyển thị hiếu của người tiêu dùng, tuy nhiên, bối cảnh lạm phát tăng nhanh cùng rủi ro suy thoái tại các thị trường tiêu thụ sẽ là thách thức cho mục tiêu tăng doanh thu, nâng công suất sản xuất của An Cường.

Sau hơn 1 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, hơn 135,8 triệu cổ phiếu ACG niêm yết trên sàn HoSE sáng 10/10, với giá tham chiếu ngày đầu giao dịch là 67.300 đồng. Cơ cấu cổ đông của An Cường khá tập trung khi 3 tổ chức nắm giữ 87,73% vốn điều lệ. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam do Chủ tịch Lê Đức Nghĩa nắm 80% vốn đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 50,5% vốn điều lệ của An Cường.
ĐHĐCĐ Gỗ An Cường: Chia cổ tức 80% và sẽ niêm yết trên HoSE trong quý III
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Công ty Gỗ An Cường đã thông qua nhiều kế hoạch quan trọng, đặc biệt là sẽ niêm yết trên HoSE và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư