-
Tiếp cận y tế toàn diện, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam -
Cảnh báo tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá mới đang gia tăng -
Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ khó cho Dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 -
Tìm nguyên nhân vụ ngộ độc khiến 2 người tử vong -
Tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu -
Thành lập 5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Những câu chuyện đau lòng
Đau mắt đỏ đã trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt trong 2 tháng qua. Có 32.000 cuộc thảo luận và 24.500 bài đăng chia sẻ các phương pháp phòng và điều trị đau mắt đỏ.
Với sự phát triển của y học hiện đại, người dân khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia để được thăm khám, tư vấn và điều trị. |
Trong đó, hơn 15.000 cuộc thảo luận và 7.000 bài đăng lan truyền về các phương pháp tự điều trị phản khoa học, chưa được kiểm chứng, chiếm gần 47%. Trong đó phương pháp dùng nước tiểu hay sữa mẹ để điều trị đau mắt đỏ đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, Phó trưởng Ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương, chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để “chữa” đau mắt đỏ. Đây là thông tin phi khoa học.
Chưa kể, thành phần của nước tiểu là urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Việc dùng nước tiểu để nhỏ mắt đang viêm giác mạc cấp sẽ càng khiến bội nhiễm nặng hơn do nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, chữa đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá, dùng nước smart A nhỏ vào mắt… cũng phản khoa học, người bệnh cần tránh xa các thông tin trên mạng xã hội.
Phân tích việc dùng lá trầu không để xông khi bị đau mắt đỏ, TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam cho hay, cách này có thể khiến người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu vì tinh dầu nóng có trong loại lá này.
Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề do đang tổn thương lại thêm hơi nóng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, khiến nhiễm khuẩn nặng hơn.
Tương tự, đắp nha đam, lá diếp cá vào mắt có thể làm dịu mát hơn, nhưng không thể lường trước có loại vi khuẩn trong đất nếu thâm nhiễm, sẽ gây bội nhiễm. Thực tế, đã có nhiều trường hợp gặp biến chứng, khó phục hồi.
Bệnh đau mắt đỏ hiện nay đang bùng phát thành dịch, tác nhân gây bệnh thường do các chủng virus như Adenovirus, Enterovirus, virus Coxsackie gây ra, lây lan qua đường hô hấp và qua tiếp xúc như tay bẩn, dụng cụ đồ chơi có dính rỉ mắt của người bệnh. Biểu hiện của bệnh có thể dễ nhận biết như mắt đỏ, sưng tấy, mắt có nhiều rỉ gèn, rất khó chịu.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, có nhiều bệnh nhân tự điều trị khi đau mắt đỏ đã gặp biến chứng loét giác mạc, có giả mạc, thậm chí giảm thị lực, nguy cơ mù…
Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không tự ý nhỏ thuốc hay sử dụng phương pháp “mẹo” dân gian, cách chữa phản khoa học trên mạng, mà hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt thăm khám, sử dụng thuốc theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ.
Cũng về các phương pháp điều trị phản khoa học, vừa qua các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận bé trai 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc.
Trước khi vào viện 8 ngày, bé bị ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt. Thấy vậy, gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô không rõ nguồn gốc về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống.
Đồng thời, cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để thải độc. Khi thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh và được chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại đây, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau một ngày nằm viện.
Một phương pháp chữa bệnh phản khoa học khác là bôi nước gừng, lấy kim chọc các đầu ngón tay và tai để nặn máu độc của bệnh nhân đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Phương Trang, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cảnh báo, có thông tin lan truyền về việc chích lấy máu ở các ngón tay, chân của người đột quỵ, sau đó nặn máu ra, chờ vài phút thì người bệnh sẽ tỉnh lại. Hay sơ cứu đột quỵ bằng cách châm vào hai bên dái tai, cho đến khi máu nhỏ giọt.
Đây là những cách làm không được kiểm chứng khoa học mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như bỏ qua “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ, nhiễm trùng tại vị trí chích máu, không thể cầm máu nếu người bệnh bị rối loạn đông máu...
Cũng phải nhập viện vì chữa bệnh bằng phương pháp thiếu cơ sở khoa học, bệnh nhân N.T.H (49 tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, do bị đái tháo đường đa biến chứng, thoái hóa cột sống đi lại khó khăn nên gia đình đã mời thầy lang đến điều trị giảm đau bằng phương pháp ong châm.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm. Thậm chí, bệnh nhân còn cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên đã đến Bệnh viện Nội tiết trung ương khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng, nhiễm trùng da với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm.
Hay trào lưu thải độc đại tràng (detox) được quảng cáo “chữa được bách bệnh”, kể cả ung thư, nhưng thực chất không có bằng chứng khoa học nào.
Theo phương pháp này, để thải độc đại tràng bằng cà phê, bệnh nhân cần dùng cà phê loại “chuyên dụng dành riêng cho việc thải độc đại tràng”.
Trên các nền tảng mạng xã hội lan truyền rất nhiều bài đăng chia sẻ công dụng và phương pháp thải độc trên. Tuy nhiên, đó chỉ là những chia sẻ cá nhân, không có căn cứ khoa học, nhiều trường hợp đã phải nhập viện sau khi áp dụng.
Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị, phẫu thuật một ca vỡ trực tràng do thải độc bằng thụt tháo cà phê. Bệnh nhân cho biết trước đó chị đã sử dụng phương pháp này hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần.
Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu. Từ kết quả thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ phát hiện hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương như: khâu chỗ vỡ trực tràng, dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo.
Tương tự, phương pháp ăn thực dưỡng được quảng cáo chữa khỏi bệnh ung thư cũng khiến không ít gia đình lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”, có những người bệnh đã lỡ giai đoạn vàng trong điều trị bệnh chỉ vì phương pháp này.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từng thông tin về ca bệnh xuất hiện khối u ở vùng môi cách đây 3 năm nhưng bệnh nhân không đi bệnh viện mà ăn thực dưỡng ở nhà để “chữa” ung thư.
Kết quả, khối u phát triển thành “khổng lồ” che kín miệng, thể trạng suy kiệt. May mắn bệnh nhân đến khám tại bệnh viện khi vẫn còn cơ hội điều trị, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và khối hạch di căn vùng cổ cho bệnh nhân.
Đừng để tiền mất, tật mang
“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của mọi người bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời buổi bùng nổ thông tin ít được kiểm chứng, nếu người bệnh nghe theo những lời mách bảo, kinh nghiệm truyền miệng hay tìm đến những thầy lang không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề mà chữa bệnh thì vô cùng nguy hiểm.
Với sự phát triển của y học hiện đại, người dân khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia để được thăm khám, tư vấn và điều trị.
Đặc biệt, người dân không tự ý dùng thuốc, phải sử dụng loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được chứng minh bằng khoa học về tác dụng.
Tuyệt đối không dùng thuốc của thầy lang không rõ nguồn gốc để tránh những nguy cơ, rủi ro về sức khỏe, tính mạng.
Đề cập đến phương pháp chích máu độc thường được nhiều người truyền tai nhau để trị bệnh, bác sĩ Đặng Thành Long, Bệnh viện Châm cứu trung ương cho hay, đây là phương pháp có nhiều nguy cơ nên không thể tùy tiện sử dụng, đặc biệt ở ngoài các cơ sở y tế.
Nguyên nhân khi sử dụng kim chích vào da, tức là tác động có xâm lấn, nếu không được sát khuẩn kỹ thì dễ dàng xảy ra nguy cơ lây truyền chéo các bệnh về da liễu, bệnh truyền nhiễm qua đường máu, gây nhiễm trùng tại chỗ. Nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới tính mạng.
Riêng đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
PGS-TS.Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu để chữa bệnh là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học.
Phương pháp này vừa không mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng. Từ đó, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Không chỉ vậy, hành động này còn khiến trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện, làm mất đi “thời gian vàng” để điều trị bệnh, cứu sống trẻ.
Với sự phát triển của y khoa hiện nay, người bệnh ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường của cơ thể nên tới bệnh viện thăm khám và hãy yên tâm điều trị với sự tư vấn của các bác sĩ để đạt kết quả khả quan. Việc giữ niềm tin vào những phương pháp chữa bệnh sai lầm, không có căn cứ khoa học là hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.
-
Tin mới y tế ngày 21/12: Người đứng đầu bệnh viện chịu trách nhiệm nếu thiếu thuốc -
Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ khó cho Dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 -
Tìm nguyên nhân vụ ngộ độc khiến 2 người tử vong -
Thành tựu y khoa trong lĩnh vực can thiệp bào thai tại Việt Nam -
Chiến lược truyền thông toàn diện và sáng tạo chống thuốc lá mới hướng tới giới trẻ -
Tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu -
Hà Nội sẽ xây dựng 5 tổ hợp y tế chất lượng cao
- Nhà máy Quang Lân - Sơn Tuylips đồng hành cùng xu hướng "Marketing Xanh"
- Tủ đông Kangaroo là Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất 2024
- Chào bán phần vốn góp của Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa tại Công ty cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu
- Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gia tăng lợi thế từ giải pháp Techcombank
- Đăng tin bất động sản dễ dàng, nhanh chóng với nền tảng Radanhadat.vn
- Giải pháp tài chính trọn gói dành cho doanh nghiệp SME và Start-up