Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khu kinh tế Dung Quất - trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất miền Trung
Minh Khuê - 01/09/2020 10:56
 
Khu kinh tế Dung Quất đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất miền Trung.

Thu hút nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng như chế tạo thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng; dầu khí; đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép và các dự án công nghệ cao tại VSIP…, Khu kinh tế Dung Quất đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất miền Trung.

VSIP Quảng Ngãi đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các Dự án công nghệ nhờ  hạ tầng hiện đại và đảm bảo các tiêu chí môi trường.
VSIP Quảng Ngãi đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các dự án công nghệ nhờ hạ tầng hiện đại và đảm bảo các tiêu chí môi trường.

“Nam châm” hút công nghiệp nặng

Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế (KKT) thành công nhất trong các KKT hình thành giai đoạn đầu tại Việt Nam. Bởi lẽ, ngay từ đầu, Dung Quất đã có những đặc quyền mà không KKT nào có được, đó là đơn vị hành chính chịu sự quản lý trực tiếp từ Chính phủ, chứ không phải do địa phương quản lý như hiện nay. KKT có diện tích hơn 45.300 ha này được lựa chọn là một trong những KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2012 - 2015, 2016 - 2020, với những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam.

Nhờ được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại với hệ thống cảng nước sâu kín gió, KKT Dung Quất nhanh chóng trở thành bến đỗ cho nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có những dự án quy mô, ứng dụng kỹ thuật cao như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (công suất 6,5 triệu tấn/năm, đang giải phóng mặt bằng để nâng cấp lên 8 triệu tấn/năm), Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan (vốn đầu tư 315 triệu USD), Khu phức hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị VSIP, Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (tổng vốn đầu tư các giai đoạn gần 70.000 tỷ đồng).

PGS-TS. Trần Đình Thiên từng đánh giá: “Ít có địa phương nào trên cả nước lại sở hữu nhiều lĩnh vực công nghiệp như KKT Dung Quất của Quảng Ngãi. Lĩnh vực đầu tiên cũng là cú hích cho địa phương này thực hiện chiến lược đưa công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn tập trung thu hút đầu tư là ngành chế biến dầu khí và khâu sau. Sự xuất hiện của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đầu tiên của Việt Nam hơn 15 năm về trước đang vận hành ổn định, góp phần điều tiết thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã đưa KKT Dung Quất trở thành thương hiệu về thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp đầy mới mẻ của Việt Nam”.

Cũng tại Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đang trên đà tăng trưởng ấn tượng, hứa hẹn là điểm sáng của ngành đóng, sửa chữa tàu biển Việt Nam. Những tháng đầu năm 2020, bất chấp khó khăn do Covid-19 gây ra, Nhà máy đã đạt được kết quả khả quan. “DQS đã nhận được đơn hàng từ các công ty nước ngoài nhiều hơn gấp 2 lần so với 2 năm trước cộng lại. Để có thành quả này, từ năm 2017, Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc DQS đã có những tính toán, chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để vươn ra thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám đốc DQS chia sẻ.

Mới đây, KKT Dung Quất đón nhận Dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm. Chưa dừng lại ở đó, Hòa Phát đang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương chấp thuận chủ trương nâng quy mô công suất toàn Dự án lên 9 triệu tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng.

Gắn liền với KKT Dung Quất còn có Khu phức hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị VSIP Quảng Ngãi, Khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong - những địa chỉ đã không còn xa lạ với nhà đầu tư. Những thương hiệu này đang ngày một lớn mạnh, lan tỏa, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thêm nhiều dự án với lĩnh vực đầu tư mới

Cuối tháng 2/2020, tại KKT Dung Quất, Bộ Công thương đã tổ chức công bố điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung, Trung tâm Điện lực Dung Quất. Theo đó, Trung tâm Điện lực Dung Quất được quy hoạch xây dựng tại KKT Dung Quất. Nội dung điều chỉnh, bổ sung Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III (miền Trung III) với công suất khoảng 750 MW, sử dụng nhiên liệu khí từ nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh. Tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 - 2026, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, tổng mức đầu tư Trung tâm Điện lực Dung Quất sau điều chỉnh là hơn 74.000 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất, mặt nước hơn 303 ha.

Trung tâm Điện lực Dung Quất sẽ gồm 3 nhà máy tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II, III, với công suất khoảng 750 MW/nhà máy và dự phòng diện tích cho nhà máy thứ tư. Trong đó, Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III do EVN làm chủ đầu tư; Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư theo phương thức BOT.

Nhà máy tuabin khí hỗn hợp đầu tiên dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2023. Ước tính, 3 nhà máy điện khí khi đi vào vận hành sẽ cung cấp hơn 13 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Trung và truyền tải cấp cho miền Nam thông qua hệ thống đường dây 500 kV.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp về việc phát triển Dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện hoàn thành đạt chất lượng các nội dung liên quan đến Dự án; đồng thời, giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Theo thông tin từ Sembcorp, từ tháng 3/2017, Tập đoàn đã ký kết với Bộ Công thương về phát triển Dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II. Thời gian qua, Sembcorp đã lập, trình Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án và đã được Bộ Công thương phê duyệt. Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công thương thực hiện các bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nhận định, trong thời gian tới, tại KKT Dung Quất sẽ có làn sóng các nhà đầu tư mới, nhất là làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia khác đến Việt Nam. Đón đầu cơ hội này, KKT Dung Quất sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các KCN trong KKT để tạo mặt bằng, đồng thời đề xuất lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành trung ương ưu tiên vốn đầu tư để hoàn thiện hạ tầng nội khu.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chia sẻ: “Phát triển công nghiệp là một trong 3 nhiệm vụ đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX. Để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững, hiệu quả, tỉnh đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong năm 2020, như tiếp tục tập trung thực hiện Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Năm 2019, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 46 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 51.000 tỷ đồng (tương đương 2.193 triệu USD), đạt 1.462% kế hoạch năm.

Tính đến tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 1.874,63 triệu USD. Trong bối cảnh thu hút FDI nhiều biến động, Quảng Ngãi chú trọng công tác thu hút đầu tư đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ đang có nguồn vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Liên minh châu Âu và ASEAN.
Khu kinh tế Dung Quất thu hút 6 dự án trị giá hơn 11 triệu USD
Tại trụ sở Công ty Công nghiệp nặng Doosan (Busan, Hàn Quốc), ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, và Ban Quản lý Khu kinh tế Dung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư