Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhựa Tiền Phong: Vững vàng thương hiệu Việt
Thu Lê - 12/05/2019 14:23
 
Từ một nhà máy sản xuất đồ chơi, sản phẩm tiêu dùng thời bao cấp, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã nắm bắt, chuyển động gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mạnh dạn đầu tư, đổi mới sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường, ngày càng khẳng định sự vững vàng của một thương hiệu Việt.
Cầu bản Tậu tại xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La - cây cầu thứ 9 trong Chương trình “Cầu nối yêu thương” của Nhựa Tiền Phong.
Cầu bản Tậu tại xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La - cây cầu thứ 9 trong Chương trình “Cầu nối yêu thương” của Nhựa Tiền Phong.

Thích ứng cơ chế, chủ động chuyển mình

Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (tên gọi do Quốc hội đặt) được thành lập ngày 19/5/1960, có nhiệm vụ chính là sản xuất nhựa đúc (phenol), nhựa trong (polystyrol), bóng bàn, đồ chơi… Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới, chuyển dần từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường. Nhu cầu của xã hội cũng thay đổi, đòi hỏi sự đa dạng, phong phú chủng loại và khắt khe về chất lượng sản phẩm. Vì thế, những sản phẩm truyền thống của Nhựa Tiền Phong đã không còn phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Năm 1990, Nhà máy đã quyết định “chia tay” với những sản phẩm truyền thống làm nên tên tuổi của mình và bắt tay vào sản xuất ống nhựa uPVC, HDPE, PPR để phục vụ các công trình xây dựng. Kể từ đó, nhắc đến Nhựa Tiền Phong là nhắc đến sản phẩm ống nhựa. Quyết định ấy đã làm thay đổi “số phận” của công ty này. Là một trong những doanh nghiệp quốc doanh đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ và niêm yết trên sàn chứng khoán, ngày 17/8/2004, Nhựa Tiền Phong chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đến nay, phần vốn nhà nước tại Nhựa Tiền Phong chỉ còn 37,1% và đang trong lộ trình thoái vốn về 0%.

Cổ phần hóa đồng nghĩa với việc Công ty được hoạt động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ và tuân theo quy luật thị trường. Nhờ vậy, Công ty đã chủ động hoàn toàn trong lên kế hoạch đầu tư, kinh doanh. Và ngay trong năm 2005, các dòng máy sản xuất như máy ép đùn, máy phun, dàn máy làm lạnh đã được nhập khẩu từ Đức, Hàn Quốc, Italia…

“Nhờ đó, công suất tăng mạnh. Năm 2005 - năm đầu tiên sau cổ phần hóa, sản lượng của Công ty đã đạt 26.000 tấn, doanh thu đạt hơn 610 tỷ đồng - tăng 90 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 55 tỷ đồng - tăng 17 tỷ đồng so với năm 2004. Đây là mức tăng trưởng đột biến mang tính bước ngoặt của Công ty khi đó”, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ.

Việc trở thành doanh nghiệp cổ phần hóa, huy động vốn từ sàn giao dịch chứng khoán đã giúp đội ngũ lãnh đạo của Công ty linh hoạt và quyết đoán trong việc xử lý điều hành kinh doanh trước những biến động của thị trường. Doanh thu của Nhựa Tiền Phong trong 2 năm 2008, 2009 tưởng rất khó khăn lại có mức tăng trưởng cao nhất, từ 30 - 36,19%, lần lượt đạt 1.097 tỷ và 1.494 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu quan trọng khác là nộp ngân sách và lợi nhuận đều lần lượt vượt trên 200% và trên 198%.

“Nhựa Tiền Phong đã chủ động trong dự trữ ngoại hối và nguyên liệu để giảm tối đa sự tác động của tỷ giá. Nhờ vậy, năm 2010, trong khi không ít doanh nghiệp lao đao vì tỷ lệ trượt giá của VND so với USD lên đến 3,3%, thì Nhựa Tiền Phong vẫn vững vàng, doanh thu tăng gần 24% so với năm 2009”, ông Phương nói.

Song trong giai đoạn phát triển mới, làn sóng đầu tư nước ngoài thông qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra tại Việt Nam rất mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đã chủ động bán hoặc bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm. Ngành nhựa cũng không đứng ngoài cuộc vần xoay này.

Nhiều tên tuổi lớn trong ngành nhựa Việt Nam đã “hoàn tất” việc “chuyển giao quyền điều hành” cho các doanh nghiệp ngoại. Tại Nhựa Tiền Phong, nhà đầu tư Thái Lan là Công ty TNHH Nawaplastic Industries từng sở hữu đến 23,839% cổ phần của Công ty và có tham vọng nắm cổ phần chi phối. Song điều này ở Nhựa Tiền Phong không dễ gì thực hiện được khi các cổ đông không muốn nới room khối ngoại lên 100%. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà đầu tư này đã thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong vào cuối năm 2017.

Cũng từ việc thoái vốn của Nawaplastic mà một lần nữa, mong muốn giữ vững bằng được thương hiệu Việt của Nhựa Tiền Phong tiếp tục được khẳng định. Đó là việc các lãnh đạo chủ chốt của Nhựa Tiền Phong đã âm thầm chuẩn bị cho việc tìm nhà đầu tư ngoại là Tập đoàn Sekisui Chemical làm đối tác tin cậy để hỗ trợ cả về công nghệ và thị trường, hay là việc cổ đông nội của Nhựa Tiền Phong dồn lực mua lại cổ phần mà Nawaplastic bán ra...

Từ những sản phẩm tiêu dùng, Nhựa Tiền Phong đã phát triển vượt bậc với những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như ống nhựa HDPE đường kính lớn.
Từ những sản phẩm tiêu dùng, Nhựa Tiền Phong đã phát triển vượt bậc với những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như ống nhựa HDPE đường kính lớn.

Khẳng định thành công nhờ cổ phần hóa

Những nỗ lực của Nhựa Tiền Phong với mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá thành hợp lý đã được người tiêu dùng ghi nhận. Nhiều giải thưởng như Thương hiệu Việt xuất sắc, Thương hiệu mạnh Việt Nam, Fast 500 (500 doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam), VNR500 (500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) trong nhiều năm liền đều có sự góp mặt của Nhựa Tiền Phong với thứ hạng cao.

Ngoài ra, cuối năm 2018, Nhựa Tiền phong là 1 trong 97 doanh nghiệp của Chương trình Thương hiệu Quốc gia. Mới đây, đầu năm 2019, Nhựa Tiền Phong lại được bình chọn là “Top 10 Sản phẩm chất lượng cao” và “Top 10 Thương hiệu tin dùng”. Nối tiếp những thành công, Nhựa Tiền Phong còn tiếp tục được vinh danh là "Doanh nghiệp Rồng vàng - Thương hiệu mạnh Việt Nam 2019".

Với thương hiệu và uy tín đã được công nhận, sản phẩm của Nhựa Tiền Phong ngày càng được sử dụng nhiều trong các công trình trọng điểm của quốc gia. Ngay trong năm 2018, sản phẩm ống HDPE đường kính lớn 1.000 - 1.200mm  đã tham gia Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đây là dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc, đảm bảo cung cấp nước sạch cho 1/3 dân số của Hà Nội và cũng là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn.

Và cuối tháng 12/2018, Nhựa Tiền Phong ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Theo đó, Nhựa Tiền Phong trở thành đối tác chiến lược để cung cấp ống nhựa HDPE có đường kính từ 1.000 - 1.500 mm, phục vụ các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và làm bè nổi. Đây là cú hích tăng trưởng cho Công ty trong năm 2019 và mở ra nhiều cơ hội mới cho Nhựa Tiền Phong nếu phát triển kinh doanh theo hướng hợp tác toàn diện này.

Thực hiện mục tiêu “Đổi mới và phát triển bền vững”, năm 2018 của Nhựa Tiền Phong khép lại với tổng doanh thu hợp nhất 4.529 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 2%; lợi nhuận trước thuế hơn 360,5 tỷ đồng, sản lượng gần 90.000 tấn, nộp ngân sách gần 300 tỷ đồng. Trong năm 2019, với đội ngũ lãnh đạo cấp cao trẻ trung, năng động và tràn đầy nhiệt huyết, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh được đề ra tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, mục tiêu doanh thu là 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 8-10% so với năm 2018; sản lượng bán hàng đạt 99.200 tấn; lợi nhuận trước thuế là 425 tỷ đồng và mức trả cổ tức là 10%. 

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng tăng, thay vì chỉ tập trung nguồn lực chống đỡ nhằm giữ vững doanh thu, lợi nhuận, Nhựa Tiền Phong còn tự đặt lên vai mình trách nhiệm với xã hội, tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng. Để từ đó, những hoạt động này trở thành động lực quan trọng giúp Nhựa Tiền Phong đạt mục tiêu phát triển bền vững, xứng đáng là đơn vị tiên phong trong ngành nhựa Việt Nam.

Hành trình xây “cầu nối yêu thương”

Bên cạnh những hoạt động vì cộng đồng, thiện nguyện truyền thống, bắt đầu từ tháng 10/2017, Nhựa Tiền Phong đã triển khai Chương trình “Cầu nối yêu thương” tại những địa phương vùng sâu, vùng xa. Đến nay, qua gần 2 năm triển khai, đã có 19 cây cầu được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng trên toàn quốc, đem lại những hiệu quả hết sức tích cực trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Và hành trình xây “cầu nối yêu thương” của Nhựa Tiền Phong sẽ còn tiếp tục được nối dài trên những nẻo đường xa xôi và vô vàn khó khăn của đất nước.

Nhựa Tiền Phong dành 30 tỷ đồng xây cầu tặng trẻ em miền núi
Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) đã triển khai chương trình "Cầu nối yêu thương" từ tháng 10 năm nay. Chương trình này sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư