Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sandbox và tốc độ “phá rào” của Grab
Anh Hoa - 12/11/2019 10:36
 
Tốc độ tiếp cận thị trường chóng mặt với các ứng dụng công nghệ của Grab cùng nhiều tên tuổi trên thế giới cho thấy, nền kinh tế chia sẻ đang tạo ra những mô hình kinh doanh mới cần có cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) để các mô hình này có thể phát triển.
Grab đang là lựa chọn của nhiều khách hàng cho các dịch vụ giao nhận thức ăn, kết nối di chuyển.
Grab đang là lựa chọn của nhiều khách hàng cho các dịch vụ giao nhận thức ăn, kết nối di chuyển.

Thoát khỏi vùng an toàn

5 năm trước, chưa nhiều người biết Grab là ai, đến từ đâu, làm gì. Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam cùng các cộng sự gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng, đối tác tài xế và cả tuyển dụng nhân viên. Giới trẻ Việt Nam có rất nhiều người giỏi, nhưng trước đây, họ thường tìm đến công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia, ít ai muốn đầu quân cho một start-up mới như Grab.

Cùng với đó, mô hình kinh tế chia sẻ còn quá mới cũng khiến Grab gặp những rào cản nhất định. Sự xuất hiện của công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới luôn tạo ra sự thay đổi lớn và dĩ nhiên, sẽ có một số doanh nghiệp phản ứng lại.

“Tôi tin những gì Grab đã và đang làm sẽ chứng minh cho tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ đối với lợi ích của cả cộng đồng”, Jerry Lim nói.

Thị trường Việt Nam đã mang đến cho start-up tỷ USD của Malaysia này nhiều thách thức cùng những trải nghiệm mới lạ, thú vị và cũng không kém phần khó khăn. Nhưng, chính những trở ngại đó tạo cho họ tinh thần hứng khởi để thoát khỏi vùng an toàn. Nền kinh tế Việt Nam đang sở hữu những tiềm năng tăng trưởng vượt bậc mà bằng công nghệ, Grab có thể góp phần đánh thức và phát triển những tiềm năng ấy. Thậm chí, Grab chưa bao giờ e ngại cạnh tranh, bởi thị trường với  sự xuất hiện liên tiếp các đối thủ mạnh lại chính là một trong những động lực tăng trưởng của Grab.

“Quyết định lựa chọn vẫn nằm trong tay người dùng. Ứng dụng nào mang đến những dịch vụ, tiện ích gần gũi nhất, thuận tiện nhất với mức giá phù hợp nhất sẽ có cơ hội giành phần thắng”, Jerry Lim khẳng định.

Thâm nhập thị trường gần 97 triệu dân, chủ yếu đi lại bằng xe máy, trong khi những người đi xe ô tô rất khó tìm chỗ đỗ xe hàng ngày và tốn khá nhiều thời gian, chi phí, Grab quyết định tung thêm dịch vụ GrabBike. Đến nay, GrabBike vẫn là mô hình “địa phương hóa” thành công nhất của Grab, từ đó, start-up này tiếp tục mở rộng GrabBike sang thị trường Indonesia, Thái Lan...

Theo tính toán của Grab, cứ 4 người Việt thì có một người sử dụng Grab để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hằng ngày. Grab đặt mục tiêu đến năm 2020, cứ 2 người Việt Nam thì có một người sử dụng Grab.

Hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 8/2019, Grab cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics. Khoản đầu tư này tiếp nối sự tăng trưởng mạnh mẽ của Grab trong nửa đầu năm 2019 trên cả 3 lĩnh vực, gồm kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử.

Trước đó, từ khi vào Việt Nam năm 2014, Grab đã đầu tư khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng). Đến cuối năm 2019, tổng vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD. Hiện Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã đầu tư 3 tỷ USD vào Grab. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank tại khu vực Đông Nam Á.

Chóng mặt với tốc độ tiếp cận thị trường 

Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay, Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ giao nhận thức ăn, kết nối di chuyển.

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch của nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với 300.000 đơn hàng trung bình mỗi ngày. Riêng GrabBike, theo Hãng nghiên cứu ABI, tính đến ngày 11/9/2019, Grab đang chiếm 73% thị phần gọi xe tại Việt Nam với 146 triệu chuyến, trung bình đạt hơn 800.000 chuyến xe mỗi ngày.

Trong khi đó, Moca - đối tác chiến lược của Grab - đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường thanh toán điện tử. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, tổng giá trị giao dịch qua ví Moca trên ứng dụng Grab tăng đến 150%; số người dùng tương tác hằng tháng tăng hơn 70%. 

Không dừng lại ở đó, bộ phận đầu tư Grab Ventures có kế hoạch thâu tóm cổ phần thiểu số hoặc toàn bộ đối với các start-up nhỏ hơn ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Việt Nam và Malaysia, nhằm trở thành một siêu ứng dụng “tất cả trong một”.

Tại thị trường Singapore, Grab đang muốn lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng khi chính phủ nước này cân nhắc cấp phép ngân hàng trực tuyến cho các công ty có nguồn gốc phi ngân hàng. Trước đó, một trung tâm tài chính lớn khác là Hồng Kông đã cấp giấy phép cho ngân hàng dạng này từ đầu năm 2019.

Giới chuyên môn cho rằng, nếu Grab và nhiều start-up tương tự có thể gia nhập thị trường tài chính với lợi thế về công nghệ và dữ liệu người dùng, thì sẽ thách thức các ngân hàng truyền thống đang thống trị thị trường. Nếu được cấp phép trở thành ngân hàng số tại Singapore, Grab có thể tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ về hoạt động giao thông, các giao dịch thanh toán và hành vi của người dùng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân cùng doanh nghiệp nhỏ. Ở thị trường Việt Nam, Grab đang có động thái tương tự khi hoạt động giao dịch của Moca đang có những tín hiệu tốt.

Theo ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Đại diện Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Moca, thanh toán điện tử, một trong những lĩnh vực hoạt động của fintech, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ, góp phần đẩy mạnh định hướng xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt của Chính phủ Việt Nam.

Cần tư duy “phá rào”

Những bước đi của Grab là ví dụ điển hình cho thấy, nền kinh tế chia sẻ đang tạo ra mô hình kinh doanh mới mà luật pháp không thể theo kịp.

“Với những mô hình kinh doanh đó, nếu cấm thì có khả năng phí một cơ hội lớn, nếu thả thì có khả năng mất kiểm soát vì dùng công nghệ để tăng trưởng thì sẽ rất nhanh, nhưng khi có tác động tiêu cực thì sẽ vô cùng tai hại”, ông Trần Việt Hùng, Sáng lập GotIt! tại Silicon Valley (Mỹ) nhận định.

Vậy nên, việc Việt Nam cần nhanh chóng có tư duy “phá rào” cho thí điểm cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) để tạo không gian, thời gian cho những nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh mới chứng minh khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đang được giới start-up công nghệ, cộng đồng fintech, nhà đầu tư ủng hộ.

Sự xuất hiện của công nghệ mới luôn tạo ra những thay đổi lớn và dĩ nhiên sẽ có một số doanh nghiệp truyền thống không bằng lòng thay đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp truyền thống cũng phải ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi ích cho khách hàng và giảm gánh nặng hành chính cho bản thân tổ chức.

Song, khi thí điểm sandbox, cần đảm bảo số lượng doanh nghiệp tham gia vừa đủ để đánh giá tác động sâu rộng, nhưng cũng không nên quá nhiều và trùng lặp về mô hình kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực. Đối tượng doanh nghiệp tham gia cũng cần có sự chọn lọc kỹ. Đặc biệt, Việt Nam cũng nên có những chế tài khống chế về không gian, thời gian hay thị phần nhất định trong khuôn khổ thí điểm sandbox, tránh để vài doanh nghiệp trong cơ chế thí điểm chiếm những thị phần lớn (do đang được hưởng các cơ chế pháp lý mở) mà tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Chẳng hạn, cần sớm hoàn thiện, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để có khung pháp lý minh bạch, cân bằng giữa kinh doanh vận tải theo phương thức truyền thống và kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ 4.0.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, sandbox là một cơ chế hoàn toàn mới, nên các bộ, ngành liên quan cần hợp sức để chia sẻ trách nhiệm, áp lực, thúc đẩy sớm quá trình triển khai. Thậm chí, nếu có thể, Chính phủ nên yêu cầu các bộ, liên ngành, phối hợp cùng triển khai để thúc đẩy cơ chế sandbox sớm hơn.

Trước mắt, theo ông Đồng, Việt Nam cần thành lập một tổ công tác sandbox liên quan đến các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp..., tạo nên một bộ liên ngành. Sau khi thành lập tổ công tác, sẽ có văn phòng sandbox quốc gia để tiếp nhận đăng ký và tư vấn cho doanh nghiệp trước khi nộp đơn chính thức, đồng thời giám sát thực thi của doanh nghiệp.

Thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox

Hiện nay, trên thế giới đã có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đang vận hành sandbox; 9 quốc gia sắp vận hành và 9 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đề xuất, nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho sandbox.

Tại Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, các diễn giả cho rằng, bản chất của sandbox là tận dụng được các nguồn cung, nguồn tài nguyên dư thừa để đưa người bán tìm đến người mua, từ đó giải được bài toán cân bằng giữa cung và cầu. Sandbox không chỉ là môi trường khuyến khích sáng tạo, mà còn là cơ hội để hoàn thiện pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo, đánh giá tác động rủi ro khi điều chỉnh các quy định pháp lý, phương thức hạch toán, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng tính sáng tạo của doanh nghiệp.
Khi start-up không chờ sandbox…
Start-up là những người tiên phong đi tìm cái mới, chấp nhận dấn thân để thử nghiệm và chứng minh mô hình mới, mà điển hình là câu chuyện về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư