Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 30/8: Ổ dịch Thanh Xuân Trung ghi nhận 303 ca; Tiếp nhận hơn 250.000 liều vắc-xin AstraZeneca và Moderna
D.Ngân - 30/08/2021 09:33
 
Ổ dịch Thanh Xuân Trung (Hà Nội), từ ngày 23/8 đến nay, đã ghi nhận tổng cộng 271 trường hợp dương tính với Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 tăng cao nhất trong lịch sử

Tính từ 17h ngày 29/8 đến 17h ngày 30/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 14.219 ca ghi nhận trong nước.

Trong số ca mắc mới thì chiếm tỷ lệ cao nhất là Bình Dương (6.050), tiếp sau là TP.HCM (5.889).

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.467 ca. Tại Bình Dương tăng 636 ca, TP.HCM tăng 932 ca, Long An giảm 9 ca, Đồng Nai tăng 114 ca, Tiền Giang tăng 66 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 449.489 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 163/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.572 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 445.291 ca, trong đó có 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (215.810), Bình Dương (110.258), Đồng Nai (23.132), Long An (21.457), Tiền Giang (9.438).

Theo Bộ Y tế, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 9.014; Tổng số ca được điều trị khỏi: 228.816.

Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 315 ca tử vong tại TP.HCM (245), Bình Dương (39), Tiền Giang (7), Long An (6), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Hà Nội (1), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 29/8 có 262.038 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.186.153 liều, tiêm mũi 2 là 2.524.407 liều.

***

TP.HCM cho phép shipper nằm trong danh sách của Sở Công thương và đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sẽ được phép hoạt động ở các quận “vùng đỏ'’ kể từ ngày 30/8.

Thành phố yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh 1 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người, thời gian xét nghiệm hàng ngày vào lúc 5h đến 6h30 sáng, do lực lượng quân y thực hiện tại các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

Yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội: Phong tỏa chung cư 210B Lê Trọng Tấn

Theo CDC Hà Nội, trong ngày Thành phố ghi nhận 103 ca, trong đó có 12 ca tại cộng đồng và 91 ca cách ly.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.194 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.546 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.648 ca.

Hà Nội tạm thời phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp để phục vụ công tác khoanh vùng, truy vết và điều tra dịch tễ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cũng thông tin về 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều cư trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. Một người trong số này làm việc tại cửa hàng tiện ích số 218 Lê Trọng Tấn và một người sống ở chung cư 210B Lê Trọng Tấn.

Theo lãnh đạo phường Khương Mai, ca bệnh tại cửa hàng tiện lợi được phát hiện trước. Qua điều tra dịch tễ, đơn vị chức năng xác định được trường hợp ở chung cư 210 Lê Trọng Tấn liên quan đến ca bệnh này và được xác định dương tính vào chiều 29/8.

Đến nay, phường Khương Mai cách ly 14 trường hợp tiếp xúc gần 2 F0 này. Quận Thanh Xuân đã phối hợp với ngành y tế Thành phố xét nghiệm cho 570 người để sàng lọc. Chung cư số 210 Lê Trọng Tấn và cửa hàng tiện lợi ở địa chỉ trên được tạm phong tỏa để xử lý dịch tễ, xét nghiệm.

Sau khi nhận được thông tin ca F0 làm việc tại cửa hàng tiện ích số 218 Lê Trọng Tấn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Khương Mai đã thông báo tìm người liên quan đến cửa hàng tiện ích trên. Người dân có đến cửa hàng tiện ích này từ ngày 20 đến 28/8 cần tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế phường để được tư vấn hỗ trợ.

Bệnh viện điều trị Covid-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội đi vào hoạt động

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngày mai 31/8/2021, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội) với quy mô 500 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động.

Theo PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện hoạt động nhằm 2 mục tiêu. Một là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh nhân Covid-19 tại khu vực thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn). 

Hai là thực hiện chức năng của trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị nặng, nguy kịch.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.

Bắt đầu khởi công từ cuối tháng 7, sau hơn 1 tháng thi công gấp rút, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã hoàn tất khâu chuẩn bị để đưa vào sử dụng.

Bệnh viện dã chiến dành cho chiến sĩ công an tại TP.HCM đi vào hoạt động

Ngày 30/8, tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), Bộ Công an đã tổ chức khánh thành Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện hay khi dịch bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh phía Nam và TP.HCM thì lực lượng công an đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Và đã có hơn 2.000 chiến sĩ bị nhiễm Covid-19, hơn chục chiến sĩ hy sinh.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Công an đã chỉ đạo khẩn trương thiết lập Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc có quy mô 300 giường, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ công an mắc Covid-19. Chỉ trong một tuần lễ, bệnh viện đã hoàn thành với sự góp ý về mặt chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện Nhiệt đới; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Việt Đức. Bước đầu, bệnh viện đảm bảo 100 giường phục vụ tốt cho hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng.

Đại tá Tiền Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện 30/4 được phân công làm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thêm một bệnh viện này là chúng ta thêm niềm hy vọng, thêm niềm tin giữ lại rất nhiều cuộc sống.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định đây là minh chứng sống động cho sự hiệp đồng tác chiến không còn phân biệt giữa lực lượng vũ trang với dân sự; giữa trung ương với địa phương; giữa chính quyền với doanh nghiệp. Tất cả vì mục tiêu chiến thắng trong cuộc chiến này.

Để mọi người đều đồng tâm, quyết liệt chung tay trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tha thiết kêu gọi tất cả nhân dân vượt qua thời khắc khó khăn, cố gắng hết sức giữ cách ly người với người, nhà với nhà. Nhà nước, chính quyền, tất cả các tổ chức đang cùng nhau làm tốt nhất để không ai bị đói, đứt bữa.

Tiếp nhận thêm hơn 250.000 liều vắc-xin Covid-19

Sáng 30/8, Bộ Y tế tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Séc gồm 210.000 liều vắc-xin AstraZeneca và 40.800 liều vắc-xin Moderna có tổng trị giá gần 1,3 triệu USD, tương đương khoảng 30 tỷ đồng.

Lô vắc-xin này được Tập đoàn UPS Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại bằng dịch vụ vận chuyển từ Cộng hòa Séc về sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) hôm 27/8.

Trong quá trình vận chuyển, lô vắc-xin được bảo quản theo đúng quy định của nhà sản xuất, với một khoang bảo quản với nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C sử dụng cho vắc-xin AstraZeneca, một khoang với nhiệt độ âm 20 độ C sử dụng cho vắc-xin Moderna.

Trước đó, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 27 triệu liều vắc-xin qua nhiều nguồn khác nhau (AstraZeneca có khoảng 17 triệu, Moderna có hơn 5 triệu, Pfizer có hơn 3 triệu, vắc-xin Sinopharm có 2,5 triệu và 12.000 liều vắc-xin Sputnik V).

Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Y tế đã phân bổ hầu hết số vắc-xin này cho các đơn vị, địa phương để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Theo cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia, đến hết ngày 29/8, cả nước đã tiêm được hơn 19,7 triệu liều vắc-xin. Số vắc-xin được tiêm trong ngày 29/8 là hơn 282.000 mũi.

Ổ dịch Thanh Xuân đã có 303 ca mắc

CDC Hà Nội cho biết, số ca mắc mới Covid-19 ở Hà Nội từ 6h ngày 30/8 đến 12h ghi nhận 45 ca mắc mới.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.159 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.539 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.620 ca.

Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) bùng phát từ ngày 23/8, đến nay ghi nhận 303 ca mắc Covid-19. Chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh.

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng, để đảm bảo an toàn trong khu vực phong tỏa ở phường Thanh Xuân Trung, quận đã cử các lực lượng dân quân tự vệ, tình nguyện mang lương thực, thực phẩm vào từng nhà. Đây là khu vực dân cư đan xen, chủ yếu là người lao động và công nhân viên của các nhà máy, xí nghiệp cũ.

“Các chung cư cũ xây dựng từ các năm 1960 - 1970, rất nhiều nhà không có nhà vệ sinh riêng, phải đi vệ sinh chung, sinh hoạt chung. Không gian ẩm thấp là nguyên nhân tiềm ẩn dễ lây lan dịch bệnh. Chính quyền đang nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm khống chế dịch bệnh”, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng thừa nhận.

Trước đó, UBND quận Thanh Xuân đã lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực cách ly (ngõ 328, ngõ 330 đường Nguyễn Trãi; từ số nhà 326 đến dãy nhà số 328 và dãy nhà số 332 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung) do Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách văn hóa - xã hội Đặng Khánh Hòa làm Chỉ huy trưởng.

Quận cũng triển khai lắp đặt, bố trí hệ thống camera giám sát và hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động tại các khu tập thể, đầu ngách trong khu vực cách ly để tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện của người dân...

Tiền Giang tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến 15/9/2021

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Công văn số 4914/UBND-KGVX về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc.

Theo đó, từ 00 giờ ngày 31/8/2021 đến hết ngày 15/9/2021 tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Các nội dung giãn cách xã hội thực hiện theo Công văn số 3550/UBND-KGVX ngày 10/7/2021 của UBND tỉnh.

Áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước và huyện Tân Phú Đông.

Đối với TP. Mỹ Tho: Tiếp tục thực hiện phong tỏa các khu vực nguy cơ rất cao theo Kế hoạch tầm soát của UBND TP. Mỹ Tho để tầm soát diện rộng. Trong thời gian này, số lượng người làm việc tại cơ quan, đơn vị hàng ngày không quá 05 người theo Công văn số 4639/UBND-KGVX ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh (trừ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho).

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực phong tỏa, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vào lưu trú, làm việc tại cơ quan nhưng phải thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, làm việc; đồng thời phải thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 định kỳ 03 ngày/lần.

Chỉ thị nêu rõ: trong thời gian tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp. Tiếp tục tăng cường huy động mọi nguồn lực, chiến dịch xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng Xác định và xử lý nhanh các ổ dịch ngay khi mới phát sinh theo phương châm "4 tại chỗ", “thần tốc” điều tra, truy vết F0, F1, không để bỏ sót đối tượng và cắt đứt nguồn lây lan trong cộng đồng. Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 529-CV/TU ngày 25/8/2021 của Tỉnh ủy; đảm bảo việc giãn cách xã hội phải “chặt ngoài, chặt trong”…

UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg để người dân chia sẻ khó khăn và đồng thuận với chủ trương của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng tần suất, thường xuyên đổi mới phương pháp và nội dung tuyên truyền theo hướng bám sát tình hình thực tế của từng địa phương và phù hợp với các đối tượng người dân; thông tin kịp thời, chính xác các giải pháp phòng, chống dịch của tỉnh, tầm quan trọng của chiến dịch tầm soát và những kết quả đã đạt được để người dân hiểu và đồng thuận, hợp tác với chính quyền.

Đáng chú ý, trong ngày hôm qua 29/8, theo thông tin từ Sở Y tế Tiền Giang, Tỉnh phát hiện 155 F0 mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Tiền Giang lên 9.765 ca, đứng thứ hai vùng ĐBSCL chỉ sau Long An về số ca mắc. Trong số F0 phát hiện mới này có 131 F0 phát hiện trong khu vực phong tỏa và 24 F0 phát hiện trong cộng đồng. Với 61 ca mắc Covid-19 mới, TP. Mỹ Tho là địa phương ghi nhận nhiều F0 nhất trong 24 giờ qua, nâng tổng số F0 của đơn vị này lên đến 4.574 ca; kế đến là huyện Châu Thành ghi nhận 26 F0 mới.

Trong 24 giờ qua, Tiền Giang ghi nhận 6 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 toàn Tỉnh đến nay là 229 ca (đứng thứ hai vùng ĐBSCL sau Long An).

Tiền Giang cũng vừa thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với 34 thành viên do dồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chỉ huy trưởng.

Hà Nội: 23 ca mắc mới, ổ dịch Thanh Xuân vẫn phức tạp

Trong số đó có 5 trường hợp được phát hiện tại cộng đồng, 18 người còn lại đã cách ly. Ổ dịch Thanh Xuân Trung tiếp tục có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2.

Hà Nội: 23 ca mắc mới, ổ dịch Thanh Xuân vẫn phức tạp.

Cụ thể 5 ca cộng đồng: Anh H.V.Q., 25 tuổi, trú tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, nhân viên bán gạo. Gần đây, người này thường xuyên đến giao hàng tại ngõ 24 Kim Đồng, Giáp Bát (không rõ tiếp xúc F0). 

Đây là khu vực được phong tỏa do liên quan chùm lây nhiễm của nhóm tài xế trở về từ TP.HCM. Ngày 28/8, anh Q. có biểu hiện ho, đến xét nghiệm tại Bệnh viện Thăng Long cho kết quả dương tính với Covid-19.

Bà N.T.H., 40 tuổi, địa chỉ ở Khương Mai, Thanh Xuân. Ngày 27/8, người này có triệu chứng đau họng. Ngày 29/8, kết quả test nhanh và rRT-PCR của bà H. lần lượt dương tính với SARS-CoV-2.

3 trường hợp còn lại nhiễm Covid-19 và được phát hiện trong cộng đồng đều là F1. Họ có địa chỉ tại Phương Dực (Phú Xuyên), Nhân Chính và Khương Mai (Thanh Xuân).

Sở Y tế Hà Nội cũng vừa công bố 18 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong khu cách ly hoặc vùng phong tỏa. 14 người trong nhóm này thuộc ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân). Trong khi đó, 4 ca nhiễm còn lại có địa chỉ ở Văn Chương (Đống Đa), Minh Khai (Hai Bà Trưng) và Bích Hòa (Thanh Oai).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.114 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.539 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.575 trường hợp còn lại đã cách ly.

Hà Nội thời gian qua ghi nhận một số ổ dịch có diễn biến phức tạp và vẫn đang tiếp tục có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, đáng chú ý là ổ dịch Thanh Xuân Trung, từ ngày 23/8 đến nay, khu vực này đã ghi nhận tổng cộng 271 trường hợp dương tính với Covid-19.

Một số ổ dịch lớn khác tại Hà Nội là Văn Miếu (từ 30/7) với 103 ca nhiễm, Văn Chương (từ 17/7) có 87 trường hợp, chung cư HH4C Linh Đàm (từ 8/8) ghi nhận 47 người, ngõ 24 Kim Đồng (từ 24/8) có 43 ca. Mới nhất, ổ dịch tại chợ Ngọc Hà được phát hiện từ ngày 28/8 đến nay đã ghi nhận 12 người dương tính.

Bạc Liêu: Sẽ xem xét có thực hiện tiếp giãn cách xã hội sau ngày 5/9

Ngày 29/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Bác sĩ Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, tính từ ngày 22/8 đến ngày 29/8, Bạc Liêu ghi nhận 50 ca Covid-19 mới, trong đó có 46 ca bệnh Covid-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm của Công ty tài chính F88, thông qua công tác truy vết phát hiện ra 1.345 F1 liên quan đến ổ dịch này. 

Đây là ổ dịch buộc Bạc Liêu ngay trong đêm phải thực hiện lệnh phong toả, cách ly toàn thành phố và tái áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh vào 3h ngày 23/8.

Theo báo cáo của ngành Y tế Bạc Liêu, tích lũy đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 196 trường hợp xác định dương tính với SARS-CoV-2 tại 7/7 huyện, thị xã, thành phố. Chưa có trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 29/8, chỉ ghi nhận 1 ca COVID-19 duy nhất tại khu cách ly của tỉnh.

Hiện, có 95 ca Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 01 ca có diễn biến nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

Theo đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh của Tổ công tác Bộ Y tế, thành phố Bạc Liêu có 4 địa điểm nguy cơ rất cao gồm: phường 1, 3, 7 và 8. Ở các huyện/thị xã còn lại, có 1 xã nguy cơ cao là xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi), 21 xã nguy cơ, 38 xã bình thường mới.

Theo ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Lữ Văn Hùng nhấn mạnh tỉnh sẽ thực hiện “thần tốc, nhanh hơn, hiệu quả hơn trong truy vết, cách ly, khoanh vùng”. 

Việc gỡ bỏ cách ly y tế trên địa bàn thành phố, hay “nới lỏng” các biện pháp phòng dịch chỉ được xem xét sau ngày 5/9, khi mà Bạc Liêu hoàn thành chiến dịch xét nghiệm tầm soát diện rộng. Do vậy, các cấp, các ngành và người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội.

Đồng Tháp: Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tiếp tục giảm

Ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc về công tác phòng chống dịch Covid-19 với UBND tỉnh Đồng Tháp. 

Thứ trưởng đề nghị Đồng Tháp cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu cách ly tập trung.

Theo báo cáo, số ca mắc mới trong cộng đồng theo tuần của Đồng Tháp có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề và giảm 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch, cụ thể, tuần từ ngày 02/8-08/8/2021 ghi nhận 271 ca; tuần từ 09/8-15/8/2021 ghi nhận 394 ca; tuần từ 16/8-22/8/2021 ghi nhận 218 ca; tuần từ 23/8-28/8/2021 ghi nhận 124 ca.

Tổng số giường bệnh các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly điều trị có khả năng thu dung, điều trị 4.946 giường, trong đó 150 giường hồi sức cấp cứu. 

Tuy nhiên, hiện tại các cơ sở thu dung, điều trị ca bệnh đang quá tải do nhân lực không đáp ứng đủ theo chỉ tiêu quy định về số lượng bác sĩ và điều dưỡng tương ứng với số giường điều trị. Hệ thống hồi sức cấp cứu của Đồng Tháp cũng chưa đáp ứng về nhân lực, trang thiết bị, thuốc phục vụ, cấp cứu người bệnh nặng, nguy kịch. Hiện tại Đồng Tháp có 80 ca bệnh nặng và 39 ca rất nặng.

Về tiêm chủng, Đồng Tháp đã tiếp nhận 275.640 liều vắc-xin do Bộ Y tế phân bổ và nhanh chóng triển khai thực hiện, đến ngày 13/8/2021 đã hoàn thành hết số vắc xin phân bổ. Kết quả, đã tiêm được 314.611 liều (tiêm mũi 1: 294.431 liều; tiêm mũi 2: 20.180 liều), đạt 114%.

Hiện tại, dịch đã xuất hiện ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong lần xét nghiệm toàn tỉnh lần 2 (từ 28/8-01/9/2021), số ca phát hiện trong khu cách ly chiếm khoảng 37,9%, trong khu phong tỏa chiếm khoảng 31,4%, trong cộng đồng chiếm khoảng 30,8%. Tỉnh hiện nay có 12 hệ thống xét nghiện RT-PCR, có 02 đơn vị xét nghiệm khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tỉnh vấn đề còn phát hiện nhiều ca F0 trong khu cách ly là đáng lưu tâm và cần có giải pháp quyết liệt thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị Đồng Tháp triển khai theo các nguyên tắc: khu phong tỏa (có F0) thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, thực hiện tốt chặt trong, chặt ngoài không để giao lưu, tụ tập trong khu phong tỏa; đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; 

Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng điều trị giảm tỷ lệ tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin và khi có thuốc điều trị khẩn trương điều trị cho bệnh nhân; đảm bảo an ninh, an sinh xã hội. 

Đồng Tháp cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu cách ly tập trung, trong đó quan tâm đến quy chế hoạt động của khu cách ly, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, yêu cầu tất cả mọi người vào khu cách ly phải ký cam kết thực hiện nghiêm quy định cách ly;

Thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế trong khu cách ly; thực hiện xét nghiệm sàng lọc trong khu cách ly...

Thứ trưởng cũng đề nghị, đối với khu vực phát hiện ra F0, tiến hành phong tỏa theo diện hẹp tránh tốn kém cả về nhân lực và dễ kiểm soát. 

Sở Y tế Đồng Tháp thành lập ngay các kíp điều trị bệnh nhân Covid-19 theo từng tầng, tiến hành tập huấn chuyên môn phù hợp với tầng điều trị. Trong điều trị phải tận dụng hết mọi thứ sẵn có để cứu bệnh nhân.

Với phương án cách ly F1 tại nhà đã được phê duyệt Đồng Tháp nên chọn một vài trường hợp để thử nghiệm, rút kinh nghiệm cách làm. 

Thứ trưởng cũng đề nghị đến 5/9, Đồng Tháp có đánh giá lại để quyết định các xã/phường; quận/huyện nào thực hiện theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 theo tình hình thực tế của các địa phương trong tỉnh.

Hà Nội: Tạm dừng hoạt động đơn vị không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống Covid-19
UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2771/UBND-KGVX về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư