Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 25/9: Hướng dẫn sử dụng vắc-xin Hayat Vax và Abdala
D.Ngân - 25/09/2021 09:29
 
Bộ Y tế vừa yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng hướng dẫn sử dụng vắc-xin Hayat Vax và Abdala.

Thêm 9.706 ca mắc Covid-19, số ca mắc ở TP.HCM tiếp tục tăng cao

Tính từ 17h ngày 24/9 đến 17h ngày 25/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.706 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 9.682 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.152 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 4.377 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Kiên Giang (112), Đồng Tháp (34), Tiền Giang (31). Các địa phương có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (651), TP.HCM (260), Đồng Nai (193).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.940 ca/ngày. Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, Hà Nam vào top 10 tỉnh, thành phố có ca mắc cao nhất trong ngày 25/9.

Hơn 10.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày, Bộ Y tế công bố 10.590 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 516.449 người.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 180 ca tử vong tại TP.HCM (123), Bình Dương (34), Đồng Nai (7), An Giang (3), Tiền Giang (3), Tây Ninh (3), Bến Tre (2), Đà Nẵng (2), Bình Thuận (1), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 220 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.400 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 24/9 có 786.421 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 37.583.248 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.027.703 liều, tiêm mũi 2 là 7.555.545 liều.

Số bệnh nhân nặng và tử vong ở TP.HCM giảm

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 25/9, Thành phố ghi nhận thêm 3.370 bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng, được chuyển đến bệnh viện tầng 2 và tầng 3.

Số người tử vong trong ngày 24/9 là 123 bệnh nhân, giảm 17 ca so với ngày trước đó. Cộng dồn từ 1/1 đến nay, Thành phố có 14.247 người tử vong vì Covid-19.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhìn vào đồ thị hàng ngày có thể thấy ca tử vong ở Thành phố đang giảm dần dần, tuy nhiên, số lượng này vẫn còn cao.

Nguyên nhân là ca tử vong do Covid-19 phản ánh quá trình điều trị kéo dài, từ khi nhập viện đến lúc diễn biến xấu và can thiệp các biện pháp hỗ trợ hồi sức. Số ca tử vong hiện nay đa số là bệnh nhân cũ, nặng, đã điều trị kéo dài.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, chiến lược điều trị Covid-19 tại Thành phố trong giai đoạn này tập trung vào 2 nhánh.

Thứ nhất là đẩy mạnh chăm sóc F0 tại cộng đồng (tại nhà), thứ 2 là củng cố hệ thống y tế để đủ sức điều trị ca bệnh nặng, không để xảy ra tình trạng F0 diễn biến nặng và tử vong.

Do đó, ngành y tế đang dốc toàn lực để cứu chữa cho các trường hợp bệnh nặng. Hy vọng kết hợp với độ bao phủ vắc-xin nhanh và rộng, Thành phố có thể sớm vượt qua dịch bệnh.

Trong đó, tại tầng 3, số lượng bệnh nhân đang được điều trị là 2.962 ca, chiếm tỷ lệ 7,4% so với các ca đang nằm viện tại các bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Tổng số bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp là 6.529 người, chiếm tỷ lệ 16,4% so với tổng ca đang nằm viện và 6,8% so với tổng số F0. Số lượng này giảm nhẹ so với hôm qua (16,5% và 7%).

Số ca nặng đang thở máy xâm lấn là 892 người, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng ca đang nằm viện và 0,9% so với tổng số F0.

Để phòng chống dịch Covid-19, TP.HCM đang tiến hành lập 22 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện nhằm đánh giá tổng thể công tác phòng, chống dịch của toàn TP.HCM.

Thành phố triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm trong đợt 7 theo công văn số 3113/BCĐ-VX ngày 20/9/2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố. Tỷ lệ dương tính ở vùng đỏ và vùng cam hiện đang là 0,3%.

Không có ca mắc mới tại Hà Nội trong chiều 25/9

Theo CDC Hà Nội, số từ 12h ngày 25/9 đến 18h ngày 25/9 Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy tính từ 18h ngày 24/9 đến 18h ngày 25/9 ghi nhận 4 ca mắc khu cách ly: Hoàng Mai (2), Thanh Xuân (1), Sóc Sơn (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.965 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.

Để phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội tham mưu về phương án nâng cao năng lực xét nghiệm RT-PCR của ngành y tế Hà Nội, đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để điều phối xét nghiệm, liên thông toàn bộ kết quả xét nghiệm giữa đơn vị lấy mẫu, đơn vị làm xét nghiệm hướng tới cập nhật trực tiếp vào hồ sơ sức khỏe của người được lấy mẫu.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế công lập và các đơn vị khám chữa bệnh ngoài công lập trực thuộc ngành về việc điều chỉnh phân luồng xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán SARS-CoV-2 để trả kết quả xét nghiệm sớm cho các đối tượng và chủ động phát hiện ca bệnh, chẩn đoán, thu dung và theo dõi điều trị.

Chưa xác định nguồn lây hai ca tử vong mắc Covid-19 ở Hà Nội

Ngày 24/9, Hà Nội ghi nhận hai trường hợp người trên địa bàn tử vong, sau đó được xác định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân L.T.T, nam, sinh năm 1973, địa chỉ tại 21 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân sống tại khu vực ổ dịch cũ, được xác định tử vong trước đó và được lấy mẫu ngày 23/9, kết quả xét nghiệm dương tính ngày 24/9.

Liên quan đến trường hợp này, phường Nguyễn Du đã quyết định phong tỏa một đoạn phố Trần Nhân Tông, đề nghị các cơ sở kinh doanh, các hộ dân, người đang sinh sống từ số nhà 11 đến số nhà 21 Trần Nhân Tông và số nhà 41A Triệu Việt Vương thực hiện đóng cửa các cơ sở kinh doanh, không ra khỏi nhà kể từ 11h30 ngày 24/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Tối 24/9, Hà Nội công bố thêm ca dương tính SARS-CoV-2 là L.D, nam, sinh năm 1956, địa chỉ tại Cao Viên, Thanh Oai. Bệnh nhân là công nhân xây dựng tại công trường MB Nam An Khánh, Hoài Đức. Ngày 23/9 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Người này được xác định bị tai nạn lao động tử vong, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Cơ quan chức năng cho biết, qua truy vết có 26 trường hợp là F1 của ông D. và kết quả xét nghiệm lần 1 đều âm tính. Ngoài ra, có hơn 100 trường hợp liên quan cũng đã được xác định, lấy mẫu xét nghiệm.

Về nguồn lây của ông D., cơ quan chức năng xác định, do ông D. tử vong tại công trường xây dựng sau đó mới được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 nên công tác truy vết đang gặp khó khăn và hiện chưa xác định được nguồn lây từ đâu.

Tương tự, trường hợp bệnh nhân dương tính ở phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cũng do đã tử vong trước khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, nên cũng rất khó để xác định nguồn lây.

7 người trong gia đình chở phân bón từ Cà Mau về Vĩnh Long mắc Covid-19

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Long, hôm qua, Vĩnh Long ghi nhận 7 ca mắc Covid-19.

Đầu tiên 1 nam tài công (ngụ ấp Gò Ân, xã Tân An Luông-  huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) được phát hiện qua khám và sàng lọc tại Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ, sau đó phát hiện thêm 6 trường hợp là F1 cùng gia đình với trường hợp trên. Hiện ngành chức năng đang truy vết các F1, F2, điều tra dịch tễ và phong tỏa các khu vực có liên quan.

Về hành trình di chuyển của ca mắc trên: ngày 5/9, nam tài công 36 tuổi (quê huyện Thạnh Trị - Sóc Trăng) cùng 6 người trong gia đình đến một công ty ở tỉnh Cà Mau lấy phân bón.

Khoảng 18 giờ ngày 8/9, ghe về cập bến một công ty ở ấp Gò Ân (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm). Từ ngày 9 - 20/9, cả gia đình nam tài công này sinh hoạt trên ghe và có đi một số nơi, tiếp xúc một số người.

Ngày 21/9, anh cùng một số người chuyển phân bón lên kho của công ty ở ấp Gò Ân, xã Tân An Luông. Đến khoảng 10 giờ ngày 22/9, anh mượn xe máy đi đến Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ (Vũng Liêm) test nhanh thì có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau đó, anh và 6 người trong gia đình có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 7/9, anh cũng có test nhanh âm tính tại Trạm Y tế TP Vị Thanh (Hậu Giang) nhưng chưa phát hiện. 

Theo CDC tỉnh Vĩnh Long: tính từ 18 giờ ngày 24/9/2021 đến 07 giờ ngày 25/9/2021, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 03 ca nghi nhiễm Covid-19, chờ Bộ Y tế cấp mã số, nâng số ca mắc cộng đồng trong tỉnh lên 2.258 ca, 1.076 ca cách ly F1, F2, đã điều trị khỏi 2.130 ca, tử vong 44 ca.

9 ca mắc mới tại TP. Bến Tre có liên quan đến đám tang trên địa bàn

Theo CDC tỉnh Bến Tre, từ 18 giờ ngày 24/9/2021 đến 6 giờ ngày 25/9/2021, Tỉnh có thêm 12 ca mắc Covid-19. Tổng số ca mắc toàn Tỉnh là 1.885 ca (trong đó có 1.751 ca ra viện, 49 ca tử vong).

Cụ thể, số ca mắc mới gồm: TP. Bến Tre 9 ca tại Phú Khương (5), Phường 4 (3), Bình Phú (1); huyện Ba Tri 1 ca tại Tân Xuân và 2 ca có địa chỉ ngoài Tỉnh.

Trong số ca mắc có 1 ca ở Phú Khương đang điều tra dịch tễ, ghi nhận trong cộng đồng; 3 ca gồm: 1 ca ở Tân Xuân và 2 ca ngoài Tỉnh đi về từ vùng dịch, 8 ca còn lại tiếp xúc F0.

Đáng chú ý, 9 ca ghi nhận tại TP. Bến Tre đều có liên quan đến ổ dịch tại một đám tang ở Phường 4, TP. Bến Tre.

Như vậy, chỉ sau 5 ngày chuyển về vùng xanh, áp dụng Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn Tỉnh, Bến Tre lại phát hiện ổ dịch mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, trong khi Tỉnh dự báo số lượng người dân Bến Tre từ các nơi tự phát về sẽ gia tăng, khu cách ly tập trung của Tỉnh tại Trung đoàn 895 sẽ quá tải. Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tỉnh đề xuất bố trí thêm 1 đến 2 khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Châu Thành, TP. Bến Tre để tổ chức cách ly tập trung đối với số người dân tự phát về.

Hiên lực lượng chức năng đã giải tán 11 chốt tại huyện Giồng Trôm (5), Mỏ Cày Nam (3), TP Bến Tre (2), Thạnh Phú (1). Hiện còn đang hoạt động 120 chốt.

Tính từ ngày 17/9/2021 đến nay, số lượng người dân Bến Tre từ các nơi tự phát về đang gia tăng, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, bố trí cách ly tập trung. Ngoài ra, đã phát sinh ca bệnh mới liên quan xe “luồng xanh”, nguy cơ dịch xâm nhập từ ngoài Tỉnh là rất lớn. Dự báo các ổ dịch cũ vẫn còn nguy cơ rất cao.

Phát hiện 39 ca F0 tại TX. Long Mỹ, Hậu Giang phong tỏa toàn xã Long Phú

Liên quan đến ổ dịch mới tại  xã Long Phú, TX. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã phát hiện 39 người nhiễm, trong đó có 1 ở xã Long Trị A, còn lại đều ở xã Long Phú. Hậu Giang đã phong tỏa toàn xã Long Phú, TX. Long Mỹ từ ngày 24/9, khẩn trương khoanh vùng, tầm soát sạch F0 đưa ra khỏi cộng đồng.

Cụ thể, phạm vi vùng cách ly y tế theo diện hẹp gồm: toàn địa bàn xã Long Phú, TX. Long Mỹ, với 7/7 ấp (bao gồm 4 ấp đang có khu vực phong tỏa trước đó); gồm 2.405 hộ, với 8.098 nhân khẩu. Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã có quyết định thiết lập 5 vùng cách ly y tế liên quan đến ổ dịch ấp Long Hòa 2, phát hiện hôm 14/9 ở xã Long Phú.

Theo Ban chỉ đạo phòng dịch TX. Long Mỹ, đến nay trên địa bàn xã Long Phú không ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Tuy nhiên, qua sàng lọc, truy vết vẫn còn nguy cơ, cho nên theo ý kiến đề xuất của CDC Hậu Giang là cần thiết lập vùng cách ly y tế đối với các địa bàn còn lại. Cụ thể là thêm 3 ấp mới và 4 ấp đã phong tỏa trước đó.

Trường hợp nhiễm cộng đồng mới nhất ở xã Long Phú được phát hiện xét nghiệm sàng lọc lần thứ 3, ngày thứ 7 liên quan đến ổ dịch tại ấp Long Hòa 2 được công bố trước 18 giờ ngày 23/9. Tính đến nay, xã Long Phú đã ghi nhận 38 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 và 1 bệnh nhân của xã Long Trị A cũng liên quan đến ổ dịch này.

Yêu cầu cách ly, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế vùng có dịch theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng thời, thực hiện nghiêm thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.

Ban chỉ đạo giao UBND thị xã Long Mỹ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan thiết lập ngay chốt kiểm soát, thực hiện kiểm soát 24/24 giờ toàn bộ vùng cách ly y tế tại xã Long Phú, thị xã Long Mỹ; thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đó”, “người dân không ra khỏi nhà”, đảm bảo cách ly y tế theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn và an sinh xã hội.

Đã có 69 ca F0 liên quan đến ổ dịch mới tại phường An Thới, Phú Quốc

Liên quan đến ổ dịch mới phát hiện tại phường An Thới, TP. Phú Quốc ngày 20/9/2021, đến nay đã có thêm 69 ca F0 liên quan đến ổ dịch này, ngành y tế Phú Quốc khẩn trương test nhanh, truy vết dập dịch kịp thời, không để lây lan rộng trong cộng đồng. 

Ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Phú Quốc vừa cho biết: Sau khi có kết quả xác định ca F0 là tiểu thương buôn bán tại chợ An Thới, ngay trong đêm Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Phú Quốc đã chỉ đạo các ngành chức năng chốt chặn và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho người dân tại cảng An Thới, chợ An Thới và các hộ dân xung quanh.

Kết quả xét nghiệm tầm soát từ 16 giờ, ngày 21/9 đến nay đã phát hiện thêm 69 ca F0 và truy vết đưa đi cách ly tập trung 294 F1. Cụ thể, số ca mắc tập trung ở phường An Thới với 63 ca, xã Hàm Ninh 5 ca và phường Dương Đông 1 ca, đến nay chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.

Cũng theo ông Trường, khi phát hiện ca dương tính tại ổ dịch mới phường An Thới, lực lượng chức năng Phú Quốc đã nhanh chóng khoanh vùng và chỉ đạo lực lượng y tế tiến hành xét nghiệm xuyên đêm tại các khu vực nguy cơ bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đến thời điểm này Phú Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.

Để kịp thời ngăn chặn nguồn lây, không để dịch bệnh lan rộng, hiện Phú Quốc đã chỉ đạo tiếp tục xét nghiệm tầm soát diện rộng vùng nguy cơ, nguy cơ cao tại phường An Thới và xã Hàm Ninh. Đối với phường Dương Đông, tiến hành tầm soát tại các nơi tập trung đông người như: Chợ, cửa hành xăng, dầu, siêu thị... với quyết tâm bảo vệ phường Dương Đông và các xã vùng xanh từ sớm, từ xa. Đồng thời Phú Quốc kiến nghị Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang cần tăng cường thêm nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm… để Phú Quốc thực hiện xét nghiệm toàn bộ các hộ dân với khoảng 200.000 dân trên đảo.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc trực tuyến mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình đề nghị, Ban Chỉ đạo Phú Quốc phải xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của thành phố lúc này công tác phòng, chống dịch. "Cả hệ thống chính trị phải đặt sức khoẻ của người dân lên trên hết, tập trung mọi nguồn lực tại chỗ và tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho Phú Quốc để khống chế, dập dịch, không để dịch lây lan rộng. Phấn đấu đến 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới".

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị TP. Phú Quốc cần tiếp tục phong toả, khoanh vùng các ổ dịch chặt chẽ, thực hiện nhanh chóng công tác xét nghiệm sàng lọc kịp thời để bóc tách F0. Khẩn trương xây dựng kịch bản phòng chống dịch với phương án có từ 500 đến 1.000 ca nhiễm và các cơ sở đảm bảo điều kiện cách ly F1, chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống... Nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên từ thành phố đến ấp, khu phố và phát huy tốt vai trò của mặt trận, đoàn thể vận động người dân đồng lòng, chung tay với thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Chuẩn bị các điều kiện triển khai tiêm ngừa vắc-xin cho người dân đúng tiến độ, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ Y tế yêu cầu xây dựng hướng dẫn sử dụng vắc-xin Hayat Vax và Abdala

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đã có văn bản hoả tốc gửi Dự án tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - về việc xây dựng hướng dẫn tiêm chủng các loại vắc-xin phòng Covid-19.

Ảnh minh họa

Để chủ động sẵn sàng triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Cục Y tế Dự phòng đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - khẩn trương xây dựng các hướng dẫn sử dụng các loại vắc-xin phòng Covid-19 mới ngay sau khi được Bộ Y tế phê duyệt (vắc-xin Hayat Vax, Abdala...) và cập nhật hướng dẫn với các loại vắc-xin đã và đang được sử dụng (nếu có) là: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Johnson & Johnson.

Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur khu vực, lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn tiêm vắc-xin Covid-19 cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trước ngày 5/10.

Vắc-xin Hayat Vax được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép trong tình trạng khẩn cấp ngày 10/9. Vắc-xin Hayat Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất bán thành phẩm.

Vắc-xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Ngày 16/9, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 30 triệu liều vắc-xin Hayat Vax sản xuất tại UAE cho Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex.

Vắc-xin Abdala được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép trong tình trạng khẩn cấp ngày 17/9. Vắc-xin Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba, được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba.

Ngày 20/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 109 về việc mua vắc-xin Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba sản xuất.

Đến nay, Bộ Y tế tiếp nhận khoảng 53 triệu liều vắc-xin đã phân bổ 47 đợt trong đó, ngày 19/9 là đợt phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều vắc-xin trong 1 đợt. Đến ngày 23/9, khoảng 50,2 triệu liều vắc-xin được phân bổ cho các địa phương.

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc-xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021 Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo về việc tiêm trộn vắc-xin.

Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc-xin khác để tiêm mũi 2.

Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 vắc-xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vắc-xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xindo Pfizer sản xuất và ngược lại.

Trong ngày 23/9 có 593.903 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 36.793.910 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 29.534.498 liều, tiêm mũi 2 là 7.259.412 liều.

Hà Nội phát hiện 4 trường hợp nhiễm Covid-19

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 25/9 Hà Nội phát hiện 4 ca mắc Covid-19 trong đó có một người liên quan TP.HCM, 3 trường hợp còn lại đều thuộc các ổ dịch cũ.

Liên quan TP.HCM, thành phố vừa xác định anh Đ.Q.D., 29 tuổi, có địa chỉ ở Xuân Tăng, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cao, dương tính với SARS-CoV-2.

Anh D. là lái xe đường dài từ TP.HCM về Hà Nội ngày 19/9, có kết quả xét nghiệm lần một âm tính với Covid-19 ngày 20/9. Tới ngày 21/9, người này có triệu chứng và được chuyển cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn.

Trong khi đó, ổ dịch Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, cũng vừa phát hiện thêm một ca nhiễm mới là chị N.T.T., 38 tuổi. Người này sống tại khu vực phong tỏa và đã được chuyển cách ly tập trung theo kế hoạch giãn dân từ 1/9. Ngày 23/9, chị T. xuất hiện triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu cho kết quả xét nghiệm dương tính.

Một ổ dịch khác tại Hà Nội cũng ghi nhận thêm 2 ca nhiễm nCoV là chung cư Đền Lừ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Hai người này đều là F1, được cách ly tập trung từ ngày 20/9. Ngày 23/9, họ có triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19

Hà Nam: Thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 

UBND tỉnh Hà Nam vừa có Quyết định về việc thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Hà Nam tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2 (phường Lam Hạ, TP.Phủ Lý).

Quy mô của bệnh viện là 300 giường, thuộc bệnh viện hạng I. Về danh mục kỹ thuật, sử dụng danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và Sở Y tế bổ sung các kỹ thuật cần thiết.

Bệnh viện Dã chiến số 1 có chức năng thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện khám và điều trị cho người bệnh Covid-19 theo mô hình tháp bệnh viện 3 tầng. 

Bệnh dã chiến số 1 hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc BVĐK tỉnh và sử dụng con dấu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế điều động, bổ nhiệm cán bộ của bệnh viện; Phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động. Đồng thời giao các sở, ngành chức năng, UBND thành phố Phủ Lý phối hợp với ngành y tế trong việc thiết lập và vận hành có hiệu quả Bệnh viện dã chiến số 1.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương ngừng nhận bệnh nhân ngoại trú

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã ra thông báo tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú để tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, căn cứ từ kết quả sàng lọc Covid-19 tại các khoa điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nhận thấy có nguy cơ lây nhiễm cao trong môi trường bệnh viện. 

Đơn vị đã gửi thông báo đến  Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế tạm thời cách ly các khoa điều trị nội trú và ngưng khám, chữa bệnh ngoại trú từ 15 giờ cùng ngày.

Bệnh viện chỉ tiếp nhận các trường hợp cấp cứu khẩn cấp mà các cơ sở tuyến trước không thực hiện được như: phẫu thuật cấp cứu chấn thương, ngoại thần kinh, ngoại tổng quát, phẫu thuật sản khoa.

Các cơ sở y tế trước khi chuyển người bệnh thì phải liên hệ trước với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để trao đổi về tình trạng bệnh và kết quả chẩn đoán nhằm giúp cho công tác chuẩn bị tiếp nhận người bệnh được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Phú Quốc sẽ đón du khách theo “hộ chiếu vắc-xin” qua 3 giai đoạn
Lãnh đạo TP.Phú Quốc (Kiên Giang) vừa có buổi làm việc trực tuyến với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thí điểm mở cửa đón du khách theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư