Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 13/10: Ngăn tác hại của thuốc lá mới với thanh, thiếu niên
D.Ngân - 13/10/2023 10:29
 
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa phối hợp Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm “Về tác hại của các sản phẩm thuốc là mới đối với thanh thiếu niên”.

Kiến nghị cấm thuốc lá thế hệ mới

Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia sử dụng trên thế giới và Việt Nam.

Ảnh minh hoạ.

Bằng chứng khoa học cho thấy, các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Các sản phẩm thuốc lá mới có chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi.

Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường Việt Nam đã có nhiều có nhiều nỗ lực được quốc tế ghi nhận trong việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá, áp dụng các biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho thanh, thiếu niên ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức; tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ cũng đang có xu hướng gia tăng thời gian qua.

Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, cho thấy: Tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp 8 đến 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10 đến 12 là 12,6%.

Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.

Các sản phẩm của thuốc lá điện tử hầu hết được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu và chưa có các số liệu thống kê cụ thể về thực trạng sử dụng.

Việc mua bán chủ yếu được thực hiện qua mạng internet, các mạng xã hội mua bán của cá nhân, trao đổi, mua bán trên hội nhóm.

Ngoài ra, một số địa điểm trưng bày và bán sản phẩm ở những điểm có nhiều đối tượng sử dụng, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học. Đáng lo ngại, việc thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn.

Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Đáng lo ngại, ở Việt Nam vấn đề càng nguy hiểm hơn khi đối tượng sử dụng thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là thanh thiếu niên.

Trong khi đó, việc buôn bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin; kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa chỉ bán hàng, địa điểm chứa hàng hóa của các đối tượng kinh doanh.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự cho rằng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan sớm đánh giá tổng kết thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá;

Tiến hành rà soát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc quản lý, sử dụng đối với thuốc lá mới như chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá, công bố tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe;

Đồng thời bổ sung quy định về thuốc lá trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá theo hướng cấm đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.

Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi; tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên; cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới

Lợi ích của bảo hiểm y tế hộ gia đình

Tham gia bảo bảo hiểm y tế hộ gia đình, người dân ở Hà Nội được hưởng lợi đơn lợi kép, rõ nhất là mức chi đang cao gấp gần 6 lần mức thu.

Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội cho biết, những năm gần đây, tính bình quân mức thu bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội là 516.810 đồng/thẻ (mỗi thẻ tương ứng với một người tham gia), trong khi mức chi bình quân cho mỗi thẻ bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này là 3.098.109 đồng (gấp 5,99 lần số thu). Ngoài ra, người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình còn hưởng nhiều quyền lợi khác.

Về mức đóng, trong gia đình càng có nhiều người tham gia, thì số tiền đóng càng giảm. Theo quy định, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành.

Từ ngày 1/7/2023, khi mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,80 triệu đồng/tháng, thì mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng, nhưng không nhiều.

Người dân thường mua bảo hiểm y tế hộ gia đình vào dịp đầu năm. Do đó, năm 2023 và những năm trước, người dân tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình chủ yếu đóng theo mức lương cơ sở cũ (1,49 triệu đồng).

Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở điều chỉnh tăng lên, nên mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng lên, nhưng số tiền không nhiều.

So mức hưởng, người dân tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Vì thế, mỗi người nên chủ động trang bị cho bản thân tấm thẻ bảo hiểm y tế - tấm thẻ vàng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Hà Nội phạt nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập với số tiền 76 triệu đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Phúc Cường bị xử phạt 50 triệu đồng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Dược phẩm Phúc Cường, địa chỉ số 43, ngõ 69A đường Hoàng Văn Thá, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân đã không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt - Nha khoa Chingo Dental - Chi nhánh Hà Nội trực thuộc Công ty TNHH Anh Nguyễn Beauty, số 1, ngõ 558 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên bị xử phạt hành chính 16 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm của phòng khám là biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định; không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề; không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt Vũ Hạnh, số 16 Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng do người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời gian đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ kỹ thuật Đức Việt cũng bị xử phạt mức 4 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động. Công ty có địa chỉ tại nhà D30 ngách 17, ngõ 26 phố Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa.

Quầy thuốc Trà My, số 6, ngõ 68 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì bị xử phạt 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.

Thời gian tới, thanh tra Sở Y tế tiếp tục thanh kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phòng chống tác hại thuốc lá điện tử trong giới trẻ ngay khi tới trường
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở độ tuổi 13 -15 là 3,5%, tăng đáng kể so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư