Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/6: Cam kết cung cấp đủ máu điều trị cho ĐBSCL
D.Ngân - 08/06/2023 09:25
 
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học, TP.HCM, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đang phối hợp với Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP.Cần Thơ để khắc phục tình trạng thiếu máu.

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này vừa nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.Cần Thơ về việc các bệnh viện: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.HCM đồng ý hỗ trợ cung cấp máu và chế phẩm máu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ trong 3 tháng tới. 

Ảnh minh hoạ.

Sở Y tế Cần Thơ cũng chỉ đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ khẩn trương có giải pháp trước mắt và lâu dài triển khai nhanh các gói thầu theo quy định, đã được phê duyệt về mua sắm vật tư, hoá chất, trang thiết bị y tế năm 2023-2024. Hoàn thành việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 10/6/2023.

Đồng thời thực hiện mua sắm bổ sung các hoá chất, vật tư (để tiếp nhận khối tiểu cầu cấp cứu và nhóm máu hiếm) thuộc thẩm quyền.

Được biết, nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu tại khu vực Cần Thơ, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã cung cấp gần 11.500 đơn vị máu.

Hai tuần gần đây, viện cung cấp 1.600 đơn vị máu mỗi tuần cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ nhằm hỗ trợ phần nào giúp bệnh viện trước khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm túi máu, hóa chất, vật tư y tế cho tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp chế phẩm máu.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ cho biết, so với nhu cầu sử dụng mỗi tháng từ 12.000-15.000 đơn vị máu thì mới chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cấp cứu và điều trị của các bệnh viện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khó khăn chung này đã ảnh hưởng đến 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Bác sĩ Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, trung bình mỗi tháng, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cần 800-1.000 đơn vị máu. 

Tuy nhiên, nửa tháng trở lại đây, nguồn cung cấp máu bị gián đoạn có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nếu không được cung cấp kịp thời từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trong tháng 6 và các tháng tiếp theo, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cùng với Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế cam kết tiếp tục duy trì cung cấp chế phẩm máu nhất định cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ.

"Chúng tôi cũng tăng cường các lịch tiếp nhận máu để có thể thêm nguồn máu tại các tỉnh miền Bắc, miền Nam, từ đó hỗ trợ cho khu vực Tây Nam Bộ”, PGS. Hà Thanh cho hay.

Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng phối hợp Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên phương án, xây dựng kế hoạch tiếp nhận máu, chuyển một phần vật tư, hoá chất, túi máu của viện từ Hà Nội vào Cần Thơ để bảo đảm duy trì công tác hiến máu và tổ chức hiệu quả chương trình Hành trình Đỏ 2023 tại khu vực này.

Ngay trong sáng 5/6/2023, chương trình hiến máu Hành trình Đỏ lần thứ XI được khai mạc toàn quốc tại tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận được 1.000 đơn vị máu. Toàn bộ túi máu và vật tư phục vụ tiếp nhận máu đã được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển từ Hà Nội vào.

Viện cũng cử nhân viên phối hợp Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ trong công tác tiếp nhận máu. Sau đó, số máu này được chuyển ra Hà Nội để viện thực hiện xét nghiệm sàng lọc, điều chế thành các chế phẩm máu an toàn và cung cấp ngược trở lại cho khu vực Tây Nam Bộ.

Quá trình vận chuyển 1.000 đơn vị máu trên (tương đương hơn 800 kg hàng hóa) được bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng quy định nhờ sự hỗ trợ tích cực, miễn phí chi phí vận chuyển, tạo điều kiện vận chuyển sớm nhất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, chi nhánh Tổng công Hàng không Việt Nam tại Cần Thơ và Cảng hàng không Sân bay quốc tế Cần Thơ.

Dự kiến, các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để vận chuyển trong thời gian tới với số máu tiếp nhận từ Hành trình Đỏ khu vực Tây Nam Bộ.

TP.HCM thực hiện “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” nhiễm Covid-19

Sau hơn 1 tháng kích hoạt chiến dịch “Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” (từ 19/4 đến 31/5), TP.HCM đã tiến hành rà soát và lập danh sách cho 165.645 người thuộc nhóm người nguy cơ (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền), nâng tổng số người nguy cơ đang được quản lý đến thời điểm hiện tại là 1.071.452 người.

Cụ thể, ngày 19/4, trước tình hình dịch bệnh trên cả nước có thể bùng phát trở lại khi đã xuất hiện thêm các biến thể phụ mới của Omicron, tại TP.HCM đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5.

Đồng thời tình trạng miễn dịch cộng đồng của người dân trên địa bàn thành phố đối với Covid-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9/2022 giảm xuống còn 94,17%), UBND thành phố đã chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo đó, TP.HCM đã triển khai tiêm cho 19.365 người nguy cơ, vận động được 170 người chưa tiêm đi tiêm mũi 1; 495 người được tiêm mũi 2; 159 người được tiêm mũi bổ sung; 4.421 người được tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại 1) và 14.120 người được tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại 2). 

Nhờ vậy, hiện chỉ còn 3.602 người thuộc nhóm nguy cơ đang được các địa phương quản lý chưa tiêm vaccine (chiếm 0,34%).

Trong thời gian này, TP.HCM đã tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi tập trung đông người.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng ban hành các tài liệu truyền thông, tạo Podcast, video clip… nhằm nâng cao nhận thức, đưa ra những lưu ý giúp giảm nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19 cho người đang có bệnh nền, người cao tuổi, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ.

TP.HCM tiếp tục thực hiện “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” đến ngày 30/6 tới.

Cứu kịp thời người đàn ông bị xe máy đâm đứt động mạch đùi

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, khoảng 19 giờ 50 phút ngày 3/6, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông D.V.Q., (sinh năm 1996, tại Long Biên, Hà Nội).

Được biết, khi bệnh nhân đang mở cánh cửa xe ô tô thì bị xe máy đâm vào từ phía sau, gây tổn thương vùng bẹn đùi chân trái chảy máu xối xả, được người đi đường đưa thẳng vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Sau khoảng 10 phút nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốc mất máu, bệnh nhân đã được cấp cứu băng ép cầm máu.

Kíp trực đã báo động đỏ và đẩy thẳng bệnh nhân lên phòng mổ, tại đây khi mở băng thì máu chảy thành dòng. Lập tức tiến hành cặp cầm máu bằng clum mạch máu.

Sau đó, kiểm tra thấy tổn thương vết thương bên của động tĩnh mạch đùi, đứt động mạch mũ chậu nông tổn thương thần kinh đùi và dập nát nhiều tổ chức xung quanh vết thương. Các bác sĩ tiến hành khâu phục hồi động tĩnh mạch đùi, và các thương tổn kèm theo.

Su khi phẫu thuật được 4 ngày, bệnh nhân tỉnh táo tiếp xúc tốt vận động đc chân bên tổn thương, đầu chi hồng ấm, mạch mu chân, mạch ống gót bắt rõ, còn tê bì 1/3 giữa dưới phía trong đùi bên tổn thương. Trước và trong mổ bệnh nhân mất khoảng 3 lít máu, đã được truyền bù khoảng 1,8l trong mổ.

Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa hồi sức ngoại dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, đây là ca bệnh vết thương mạch máu ngoại vi lớn, nặng nề có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Với những trường hợp bị vết thương mạch máu ngoại vị nhanh chóng dùng gạc chèn vào vết thương chảy máu sau đó băng ép chặt và đưa đến cơ sở y tế gần nhất có thể can thiệp được chuyên khoa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư