Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/8: Làm rõ hành vi trục lợi bảo hiểm y tế; Hà Nội, dịch sốt xuất huyết tới sớm
D.Ngân - 08/08/2023 10:27
 
Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Hà Nam đề nghị xác minh, làm rõ thông tin trên báo chí về hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Làm rõ sai phạm

Công văn của Cục Quản lý Khám, Chữa Bệnh nêu rõ vừa qua có cơ quan báo chí đã đăng tải loạt bài điều tra với nội dung trục lợi bảo hiểm xã hội ở Hà Nam xảy ra tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Bài viết phản ánh nội dung: “Ghi nhận hành vi có dấu hiệu tiếp tay cho tình trạng trục lợi bảo hiểm của y sỹ Phan Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, chỉ nhận tiền, không khám bệnh rồi xuất giấy xác nhận cho người lao động”.

Sau khi xem xét, Cục Quản lý Khám, Chữa Bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Nam khẩn trương xác minh, làm rõ các thông tin, phản ánh nêu trên và có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đồng thời khẩn trương chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT của Bộ Y tế: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật An toàn Vệ sinh Lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Sở Y tế Hà Nam tăng cường kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm; xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân làm sai quy định (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 10/8 tới.

Mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ

Với dân số gần 100 triệu, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ. Thông tin từ Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, trên bản đồ đột quỵ thế giới, nước ta thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất.

Mặc dù vậy, số lượng đơn vị đột quỵ lại quá ít, đến mức đáng báo động. Được biết, hiện nay cả nước có 110 đơn vị/trung tâm đột quỵ. Phần lớn các đơn vị này lại tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Do đó, khá nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.

Hiện nay, cứ một đơn vị đột quỵ ở Việt Nam phải phụ trách trên 2.000 bệnh nhân/năm. Trong khi đó, con số tại Mỹ là 300 bệnh nhân/đơn vị, con số khuyến cáo trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/đơn vị đột quỵ.

PGS.TS. Nguyễn Văn Liệu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, trước hết, dấu hiệu dễ nhìn thấy của đột quỵ là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ, cần yêu cầu bệnh nhân cười, vì khi đó, tình trạng méo có thể rõ hơn. Dấu hiệu tiếp theo là tay bị liệt.

Tình trạng này cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn có một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép,….

Dấu hiệu rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hay nói đớ. Điều quan trọng là cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu trên.

Ngoài ra, có những triệu chứng ở người bị đột quỵ có thể kể đến như: Lẫn lộn, sảng, hôn mê; Thị lực giảm sút, hoa mắt; Chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững; Đau đầu; Buồn nôn, nôn ói...

“Đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc nếu may mắn sống sót cũng để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với người bệnh. Tùy theo thời gian người bị đột quỵ được phát hiện, đưa vào bệnh viện và điều trị mà mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ khác nhau”, bác sĩ Liệu cho biết.

Theo chuyên gia này, khi bị đột quỵ, càng chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu thì hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây nên hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu và thậm chí là không thể phục hồi.

Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày để người bị tai biến mạch máu não có thể phục hồi. Thậm chí, trong một số trường hợp, biến chứng có thể gây thương tổn vĩnh viễn.

Một số biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ bao gồm: Bị liệt, khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân; Mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp.

Ngoài ra, người bị đột quỵ còn có thể gặp các vấn đề thị giác, vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Thậm chí, trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong…

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết tới sớm

Theo dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hằng năm.

Thế nhưng, tại một số quận, huyện, việc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 4/8, toàn thành phố đã ghi nhận 2.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 408/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 70,5%) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Riêng 4 tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Thạch Thất đứng đầu với 483 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (231 ca), Bắc Từ Liêm (219 ca), Thanh Trì (182 ca), Hà Đông (161 ca), Phú Xuyên (152 ca), Nam Từ Liêm (129 ca), Thường Tín (124 ca)...

Ngoài ra, tính đến ngày 4/8, toàn thành phố đã ghi nhận 198 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn. Hiện tại còn 110 ổ dịch đang hoạt động.

Về các biện pháp phòng dịch, theo CDC Hà Nội, kết quả báo cáo của các trung tâm y tế, từ đầu năm nay đến ngày 4-8, toàn thành phố đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, đạt 82% so với chỉ tiêu từ đầu năm đề ra.

Một số địa phương thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra như: Thanh Trì (tỷ lệ 29%), Cầu Giấy (29%), Hoàn Kiếm (40%), Tây Hồ (40%), Thường Tín (46%), Phúc Thọ (47%)…

Bên cạnh đó, CDC thành phố đã phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.

Tính đến ngày 4/8, đã thực hiện giám sát 647 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư. Kết quả, có 296/647 lượt điểm (chiếm tỷ lệ 45,2%) có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.

Mặt khác, đã thực hiện giám sát 30 lượt điểm tại các ổ dịch, trong đó 27/30 (chiếm 90%) lượt điểm có kết quả xử lý ổ dịch chưa hiệu quả; chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao sau xử lý tại một số quận, huyện như: Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Đông, Tây Hồ.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang gặp khó khăn do một số đơn vị hiện tại chưa mua sắm được hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy.

Thêm vào đó, việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy còn nhiều khó khăn; người dân chưa chủ động trong hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình mình.

Tin mới về y tế ngày 5/6: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu; Xử nghiêm trục lợi bảo hiểm y tế
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế giao cho Viện trưởng Viện Huyết truyền máu Trung ương cùng các đơn vị bảo đảm cung cấp máu, đủ máu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư