Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 30/12: Trang bị kiến thức bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh
D.Ngân - 30/12/2023 09:47
 
Dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch năm nay nhu cầu đi lại du lịch giao lưu lớn, chuyên gia lo ngại người dân cần tự trang bị các biện pháp bảo vệ sức khoẻ phòng tránh dịch bệnh.

Bảo vệ sức khoẻ tránh dịch bệnh

Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2024, người lao động được nghỉ liên tiếp 3 ngày, đây là khoảng thời gian nhà nhà, người người di chuyển về quê, đi chơi, đi du lịch.

Dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch năm nay nhu cầu đi lại du lịch giao lưu lớn, chuyên gia lo ngại người dân cần tự trang bị các biện pháp bảo vệ sức khoẻ phòng tránh dịch bệnh.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo nhu cầu đi lại nhiều gây nên sự gia tăng về việc lan truyền bệnh truyền nhiễm vì tăng sự tiếp xúc giữa người nhiễm bệnh và người lành, ăn uống không đảm bảo vệ sinh…

GS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, nhu cầu giao lưu, đi lại dịp nghỉ lễ, đặc biệt dịp Tết Dương lịch nhiều, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa và các bệnh đang lưu hành trong mùa đông Xuân như Cúm, Covid-19, viêm phối, tiêu chảy…

Để phòng chống dịch bệnh trong dịp nghỉ lễ, chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo, người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế đưa ra.

Bên cạnh đó, ông Phu cũng đặc biệt lưu ý người dân cần đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ, người có triệu chứng nghi ngờ, người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đeo khẩu trang phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm cho người khác.

Ông Phu cũng khuyến cáo mọi người cần rửa tay với xà phòng, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… như vậy bạn và gia đình sẽ có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ và an toàn.

Còn Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Trước đó, ngày 23/12, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vịec tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023-2024.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;

Đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh;

Chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp…..

Dự thảo mới về giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/Ngành.

Dự thảo đề xuất quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/Ngành.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất giá dịch vụ khám bệnh của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/Ngành do quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán là: Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I là 42.100 đồng; bệnh viện hạng II 37.500 đồng; bệnh viện hạng III 33.200 đồng; bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã 30.100 đồng. 

Giá Hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) 200.000 đồng.

Dự thảo nêu rõ, viện có giường bệnh, trung tâm y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng; phòng khám quân y, phòng khám quân dân y, bệnh xá quân y, bệnh xá: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.

Trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng có sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu thì người bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Theo dự thảo, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì việc thanh toán tiền khám bệnh thực hiện theo quy định.

Trường hợp không đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh nhưng đến khám bệnh và vào điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng theo yêu cầu chuyên môn thì không thanh toán tiền khám bệnh.

Cần nâng cao năng lực y tế địa phương để kiểm soát bệnh truyền nhiễm
Các bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành y tế tại các địa phương cần tiếp tục nâng cao năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư