Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 31/7: Không được tự ý dùng thuốc Tamiflu; Đà Nẵng mở lại cơ sở thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết
D. Ngân - 31/07/2022 11:14
 
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh đường hô hấp, triển khai thực hiện nghiêm công tác tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2022.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh hô hấp

Yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng. và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Ảnh minh họa

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ, trong đó tập trung vào các nội dung theo các khuyến cáo của Bộ Y tế: thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; 

Không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế; tăng cường chất dinh dưỡng, tập thể dục nâng cao thể trạng; và đặc biệt là lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Không được tự ý dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm

Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các viện/bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các ngành về việc tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.

Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ; không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều trị cúm theo các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ Y tế. Chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, đặc biệt với thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Hà Nội tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi chỉ đạt gần 18%

Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: tổng số mũi tiêm trên cả nước là: 12.138.726.

Tiêm mũi 1: 7.910.901 trẻ (đạt tỷ lệ 69,2%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 51% là: Hà Nội (50,9%); Hà Tĩnh (47,7%); Đà Nẵng (35,1%); Quảng Nam (38,8%); TP Hồ Chí Minh (43,5%).

Tiêm mũi 2: 4.227.825 trẻ (đạt tỷ lệ 37,0%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 19% là: Hà Nội (17,7%); Đà Nẵng (14,7%); Quảng Nam (12,2%); Khánh Hòa (17,1%); Đắc Lắc (19,0%).

3 tỉnh tiêm cao là: Ninh Thuận (72,7%); Sóc Trăng (74,3%); Bạc Liêu (71,4%).

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 47.887.932 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 72,0%)

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp là: Hải Phòng (53,5%); Quảng Nam (48,5%); Khánh Hòa (52,2%); Bình Thuận (50,1%); Đồng Nai (46,2%); Cần Thơ (52,4%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 9.388.872 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 50,2%) tăng 0,9% so với ngày trước đó, trong ngày có 29 tỉnh triển khai với 147.643 người được tiêm. 

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Bắc Cạn (25,6%); Nghệ An (26,0%); Quảng Trị (21,7%); Phú Yên (18,8%); Đắc Lắc (24,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Quảng Ninh (96,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu (97,5%); Kiên Giang (96,3%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 2.943.624 trẻ (đạt tỷ lệ 33,6%) tăng 0,6% so với ngày trước đó. 

5 tỉnh tiêm mũi 3 thấp: Hà Tĩnh (11,3%); Điện Biên (6,6%); Phú Yên (8,8%); Bình Thuận (10,7%); Bà Rịa – Vũng Tàu (10,9%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (78,0%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (67,0%).

Bệnh viện Đà Nẵng mở lại cơ sở 2 thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết

Theo Bệnh viện Đà Nẵng, từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 150 ca sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca rất nặng với các biểu hiện như: sốc, xuất huyết nặng, tổn thương gan cấp tính...

Số bệnh nhân sốt xuất huyết tại TP. Đà Nẵng cần nhập viện điều trị đang có xu hướng tăng cao. Bệnh viện Đà Nẵng phải mở lại khoa Y học nhiệt đới cơ sở 2 để thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ.

Hiện mỗi ngày khoa Y học nhiệt đới của bệnh viện thu dung điều trị khoảng 70-80 bệnh nhân sốt xuất huyết. Phần lớn các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, như: xuất huyết, tụt tiểu cầu… Một số trường hợp nguy kịch phải điều trị hồi sức tích cực. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân vẫn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết.

Tại khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 100 giường vừa điều trị sốt xuất huyết, Covid-19 vừa bệnh lý truyền nhiễm khác. Trước tình trạng ca bệnh tăng nhanh tại khoa, bệnh viện đã khẩn trương mở lại khoa Y học nhiệt đới cơ sở 2 tại Trung tâm Tim mạch với quy mô 40 giường thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ và cảnh báo. Bệnh viện Đà Nẵng cũng lập kế hoạch cử cán bộ vào TP. HCM tập huấn về chuẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết.

Cúm A tăng bất thường, thuốc Tamiflu khan hiếm, tiêm vắc-xin là cần thiết
Số ca mắc tăng khiến nhu cầu tìm mua thuốc điều trị Tamiflu cũng tăng theo. Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống cúm, tiêm vắc-xin là biện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư