Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tổng giám đốc KIDO: Chúng tôi đã lạc quan và đánh giá chưa đúng diễn biến thị trường thực phẩm đông lạnh
Hồng Phúc - 06/05/2019 08:16
 
Dù doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã: KDC) tăng 8,4% so với năm 2017 và giá vốn bán hàng cũng tăng 13,5% đã góp phần khiến lợi nhuận sau thuế giảm 72,4%, chỉ còn 148 tỷ đồng.
.
Ông Trần Lệ Nguyên, TGĐ Tập đoàn KIDO

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO đánh giá, việc hợp nhất Vocarimex và Tường An trong năm 2017 đã giúp KIDO gia tăng lợi thế cạnh tranh và mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khác của thị trường thực phẩm thiết yếu (FMCG).

Khi đó, Ban lãnh đạo KIDO nhận định thị trường FMCG sẽ tăng trưởng tốt, và cho triển khai các hoạt động nhằm chuẩn bị cho chiến lược mở rộng ngành hàng trong năm 2018 để đa dạng hóa giỏ hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người tiêu dùng thông qua các công ty thành viên, nhà máy tại Bắc Ninh và việc hợp tác, liên doanh với các đối tác.

“Tuy nhiên, thực tiễn thị trường FMCG không như dự báo. Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thực phẩm ngày càng gay gắt, vì vậy KIDO phải liên tục đầu tư cho hệ thống phân phối, tăng chi phí cho các chương trình khuyến mãi để giữ thị trường và điều này khiến chi phí hoạt động tăng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận trong giai đoạn từ quý 4/2017 cho đến giữa năm 2018”, ông Trần Kim Thành nói và lý giải, đây là nguyên do khiến kết quả kinh doanh của Tập đoàn đi xuống trong sáu tháng đầu năm 2018.

Còn theo lý giải của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO, vào quý 3/2017, dự báo thị trường tiếp tục tăng trưởng, Công ty đã thực hiện mở rộng đầu tư, phát triển sản phẩm mới và xây dựng cơ sở hạ tầng để đón đầu cơ hội.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã đi ngược lại với kỳ vọng khi quý 4/2017, tốc độ tăng trưởng của ngành FMCG chỉ đạt 1,3% và đến quý 1/2018 là -0,2%.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá bán để kích cầu khiến áp lực cạnh tranh trong ngành trở nên khốc liệt và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của KIDO.

Và thay vì mở rộng thị trường như kế hoạch, KIDO buộc phải cắt giảm các khoản đầu tư, tạm hoãn các kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, các ngành hàng, sản phẩm có lợi nhuận cao. Đồng thời thực hiện kiểm soát chặt chẽ chi phí để bảo toàn lợi nhuận.

Cụ thể, đối với ngành hàng thực phẩm đông lạnh, ông Trần Lệ Nguyên thừa nhận đã lạc quan và đánh giá chưa đúng diễn biến thị trường trong nửa đầu năm 2018. Do đó, khi nhận thấy thị trường có nhiều bất ổn, giá nguyên liệu tăng mạnh trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, KIDO thu hẹp các đợt ra mắt sản phẩm mới, tạm hoãn kế hoạch mở rộng quy mô và chấp nhận một khoản chi phí duy trì để dự phòng cho kế hoạch phát triển ngành lạnh của KIDO Foods trong thời gian tới.

Với ngành kem, từ nửa cuối năm 2018, KIDO phải quy hoạch lại danh mục sản phẩm ở cả phân khúc cao cấp và trung cấp trong khi ngành sữa chua, doanh thu của KIDO sụt giảm mạnh trong năm vừa qua.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc KIDO, thị trường cạnh tranh khốc liệt và gay gắt, đến mức các đợt khuyến mãi bào mòn đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất trong ngành sữa chua.

“Trước bối cảnh đó, chúng tôi quyết định đứng ngoài cuộc đua phá hủy giá trị và xói mòn biên lợi nhuận. Điều này có tác động đáng kể đến cấu trúc chi phí của KIDO khi chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm sữa chua gia tăng do khối lượng bán ra thấp hơn. Do đó, từ quý 3/2018, chúng tôi đã chủ động loại bỏ các chi phí không hiệu quả và hạn chế đầu tư thêm vào ngành hàng sữa chua”, ông Trần Lệ Nguyên nói và đặt kỳ vọng mức tăng trưởng cho ngành hàng này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay.

Năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của KIDO đạt 7.609 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2017. Mức tăng trưởng này được đóng góp bởi tăng trưởng ngành hàng Dầu ăn 14,2%, trong khi, ngành hàng kem giảm 12,3% và ngành hàng sữa chua giảm 32,3%.

Mặc dù doanh thu hợp nhất tăng, nhưng việc giá vốn hàng bán cũng tăng 13,5% (tương đương 750 tỷ đồng), đã dẫn đến lợi nhuận gộp của KIDO giảm 10,8% (tương đương 157 tỷ đồng) so với năm 2017.

Sự gia tăng giá vốn được lý giải do biến động lớn của giá dầu cọ trong năm qua cũng như chi phí sản xuất cố định cao đến từ hai nhà máy của công ty con là CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF). Doanh thu phát sinh trong giai đoạn thấp điểm không đủ bù đắp chi phí vận hành cùng một lúc của cả hai nhà máy Bắc Ninh và nhà máy Củ Chi.

KIDO hiện có 9 công ty con, 3 công ty liên kết và 2 công ty liên doanh đồng kiểm soát. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KIDO đánh giá, chiến lược tìm kiếm các cơ hội đầu tư thông qua M&A với giá trị hợp lý được dự báo là sẽ ngày một khó khăn và thách thức. Và trong tương lai sẽ khó có thể là nguồn để tăng trưởng mạnh, bền vững.

Thêm vào Ban lãnh đạo KIDO cũng cho rằng, việc mở rộng M&A trong các ngành kinh doanh hiện hữu với mức định giá cao sẽ làm cho Tập đoàn có thể bị tác động, ảnh hưởng và khó phục hồi hơn trước biến động của nền kinh tế. Đó là lý do, KIDO sẽ chỉ tiến hành những thương vụ M&A “độc đáo, nổi trội với mức giá hợp lý” mà thông qua đó, KIDO có thể gia tăng khả năng sinh lợi cốt lõi.

Một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh của KIDO trong năm 2017 và 2018 (Đvt: Tỷ đồng)

STT

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2017

1

Doanh thu thuần hợp nhất

7.609

7.016

2

Lợi nhuận sau thuế

147.6

535.7

3

Tổng tài sản

12.511

12.749

4

Tài sản cố định

2.930

3.369

5

Vốn chủ sở hữu

8.358

8.743

Chủ tịch KIDO: Hậu M&A mới là điều quyết định thành bại
Quản trị một doanh nghiệp được đánh giá là chủ động và có nhiều thành tựu trong hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, ông Trần Kim...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư