Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng
Vân Linh - 27/10/2023 07:20
 
Nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng, nhưng trước những tín hiệu tích cực của thị trường, các ngân hàng kỳ vọng, nợ xấu sẽ sớm được kiểm soát.

Trong chiều hướng đi lên

Nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Saigonbank đến cuối tháng 9/2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 2,23%. Tương tự, chất lượng nợ vay của PGBank cũng không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/9/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%. Trong tài liệu Đại hội bất thường dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10 này, PGBank đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3%.

Nợ xấu tại Bac A Bank tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý II và 0,77% cuối quý II/2023. Dù vậy, Bac A Bank tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục sụt giảm, từ 204% hồi đầu năm, tới cuối quý III/2023 đã xuống 144%. Tổng nợ xấu tại ngày 30/9 của TPBank cũng tăng đột biến lên gấp 4 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,97%. Nợ xấu có xu hướng gia tăng nhưng có kiểm soát, do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, người vay vốn có xu hưởng yếu đi trong môi trường lãi suất cao.

Chuyên gia phân tích của VPBankS cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, trong khi lãi suất cao đang phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý III/2023. 

Khi nào nợ xấu đạt đỉnh?

Loạt yếu tố bất lợi như sự cố SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng khiến tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Đây là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%. Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Trước đó, đầu năm 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối năm 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022. Tuy nhiên, do Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu “đóng băng” cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống. Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Một số nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu (tính trên tổng dư nợ cho vay) đến cuối tháng 6/2023 vượt 3%, gồm: NCB, ABBank, BVBank, VPBank, VietBank, OCB, PGBank. 

Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng, nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý IV năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, nợ xấu tùy thuộc vào sự chống chọi của doanh nghiệp trước điều kiện thị trường có khó khăn.

“Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh. Nhưng phải đến cuối quý IV/2023 nợ xấu mới có thể đạt đỉnh thì hợp lý hơn hoặc đầu năm 2024. Kinh tế vẫn khó khăn khiến không ít doanh nghiệp vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều, trong khi, số lượng hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp chưa về nhiều. Quý IV/2023 được kỳ vọng thị trường hồi phục thì nợ xấu mới đạt đỉnh”, TS. Huân nói và cho rằng, những chính sách giải cứu thị trường của Chính phủ và NHNN có thể phải tới quý IV/2023 mới bắt đầu phát huy hiệu quả. Vả lại, tốc độ giảm của nợ xấu còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản... Nếu thị trường bất động sản ấm lên khả năng sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản đảm bảo và kéo nợ xấu giảm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraine trở nên phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ vừa qua. Hiện việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, khung khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

69 doanh nghiệp chậm thanh toán, nợ xấu TPDN gần 18%
Thị trường trái phiếu quý III/2023 đang hồi phục tích cực nhờ các ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu trở lại song áp lực đáo hạn trái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư