Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vicem thoái vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành
Thế Hoàng - 29/06/2019 08:15
 
Dừng đầu tư một loạt dự án dở dang, chuyển nhượng dự án không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để thu hồi vốn là kế hoạch của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) trong lộ trình tái cấu trúc Tổng công ty.
Tòa tháp Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem xây xong phần thô và đang bỏ hoang.
Tòa tháp Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem xây xong phần thô và đang bỏ hoang.

Các dự án đầu tư ngoài ngành đều có vấn đề

Vicem đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị việc chuyển nhượng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có diện tích đất xấp xỉ 8.500 m2.

Dự án được triển khai theo Quyết định số 2208/QĐ-XMVN ngày 30/12/2011 của HĐTV Tổng công ty và giấy chứng nhận đầu tư số 01121000884 do UBND TP. Hà Nội cấp năm 2010.

Sở hữu vị trí đẹp trên đường Phạm Hùng, ngay cạnh tòa nhà Keangnam Landmark, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có tổng mức đầu tư 2.744 tỷ đồng, quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn 81.000 m2, ban đầu được dự kiến là Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem kết hợp cho thuê văn phòng.

Dự án khởi công vào tháng 5/2011, tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm và thân công trình thì Dự án gần như bất động suốt nhiều năm nay.

Được biết, Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem không phải là dự án duy nhất mà Vicem đầu tư ra ngoài ngành. Vicem hiện còn 3 dự án trọng điểm khác đang đầu tư dở dang là Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy, Dự án Nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung; Dự án khu cảng Đông Hồi, nhưng Vicem quyết định không bỏ thêm vốn.

Theo báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ - Vicem, tính đến cuối năm 2018, Vicem đang bị đọng khoản vốn 881 tỷ đồng tại các dự án kể trên, những dự án từng một thời là kỳ vọng của doanh nghiệp xi măng này.

Trong đó, khoản vốn đầu tư dở dang nằm tại Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem lớn nhất, lên tới 771 tỷ đồng. Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy cũng tiêu tốn 60 tỷ đồng, Dự án Nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung tiêu tốn 45 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, hầu hết các dự án này đều có thời gian đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2012. Riêng dự án Cảng Vicem Đông Hồi được thực hiện theo Quyết định đầu tư của Vicem vào ngày 4/4/2016, có tổng vốn đầu tư 1.978 tỷ đồng.

Lý giải về việc chuyển nhượng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, và dừng bỏ vốn vào một số dự án, ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem cho biết: “Chúng tôi phải thoái toàn bộ phần vốn đầu tư không thuộc ngành nghề chủ chốt đã đầu tư ra bên ngoài trong thời gian qua để phục vụ tái cơ cấu Vicem và cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ”.

Ông Minh cho biết thêm, tất cả các dự án Vicem đầu tư ngoài ngành xi măng đều có vấn đề, đều rất khó khăn và thực tế là hiệu quả rất thấp, mà Dự án Trung tâm điều hành Vicem là một điển hình. Vicem chỉ nên làm đúng ngành nghề chính là xi măng.

Đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực chính

Cùng với việc ráo riết triển khai thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề chủ chốt, Vicem sẽ đầu tư có chiều sâu vào lĩnh vực chính, trong đó chú trọng mảng bê tông tươi.

“Vicem là doanh nghiệp xi măng có vốn nhà nước, đảm nhận trọng trách dẫn dắt thị trường thì chỉ nên đầu tư xi măng thôi. Vicem và các doanh nghiệp trực thuộc đã có kế hoạch đầu tư mạnh vào mảng xi măng rời và bê tông tươi, vì nhu cầu của các dòng sản phẩm này đang và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới”, ông Bùi Hồng Minh nói.

Phân tích thêm, lãnh đạo Vicem cho biết, với thế mạnh sẵn có từ sản xuất sản phẩm xi măng bao chất lượng cao, Vicem sẽ thuận lợi khi tham gia vào mảng bê tông tươi. Hiện tỷ lệ dùng bê tông tươi và xi măng rời tại các đô thị lớn rất cao, ngoài ra, nhu cầu sản phẩm bê tông tươi  đổ các khối lớn làm đê kè để chống biến đổi khí hậu rất lớn, do đó Vicem chú trọng mở rộng danh mục sản phẩm, kết nối chuỗi giá trị của xi măng.

Trên thực tế, việc sử dụng bê tông tươi trong các công trình xây dựng  đang trở thành xu hướng mới trong xây dựng dân dụng và được một số doanh nghiệp xi măng tham gia khá thành công.

Trong ngành xi măng, INSEE (trước kia là xi măng Holcim) đã tham gia mảng bê tông tươi từ sớm, có tỷ trọng doanh thu đáng kể. INSEE Home Beton là sản phẩm bê tông tươi cho hạng mục nhà dân dụng đang được INSEE cung ứng với sản lượng lớn tại nhiều địa bàn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Các dự án đầu tư trong giai đoạn tới sẽ được Vicem triển khai nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dựa trên nguyên tắc đầu tư chiều sâu, tăng năng lực nghiền xi măng để tối ưu hóa các dây chuyền xi măng hiện có, tăng sản lượng sản xuất.

“Khi tăng được sản lượng sẽ giúp các nhà máy xi măng giải quyết được 2 vấn đề lớn. Một là, chi phí cố định trên 1 tấn sản phẩm giảm xuống. Hai là, khi máy chạy đều thì tiêu hao về chi phí biến đổi cũng giảm xuống, chính vì vậy giá thành cạnh tranh hơn”, một chuyên gia trong ngành xi măng phân tích.

Vicem muốn chuyển nhượng Dự án xây 8 năm chưa xong tại Hà Nội
Vicem đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất phương án chuyển nhượng toàn bộ Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, tổng mức đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư