Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Nhiều thủ đoạn khiến ngân hàng bị “rút ruột” hơn 433 tỷ đồng
Huệ Nguyễn - 13/03/2023 09:10
 
Bị cáo buộc về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, 17 bị cáo là các lãnh đạo, cán bộ của 3 ngân hàng bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vì đã giúp sức cho Nguyễn Thị Hà Thành “rút ruột” hơn 433 tỷ đồng.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “rút ruột” ngân hàng hơn 433 tỷ đồng
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “rút ruột” ngân hàng hơn 433 tỷ đồng

Thủ đoạn tinh vi

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang xét xử sơ thẩm Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Trước Hội đồng Xét xử, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đã công bố toàn văn bản cáo trạng, trong đó xác định, Nguyễn Thị Hà Thành có vai trò chủ mưu, cấu kết cùng một số cá nhân và móc nối với một số cán bộ ngân hàng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Đáng nói là, giúp sức cho Thành trong vụ án này, có tới 17 người là lãnh đạo chi nhánh, cán bộ của các văn phòng giao dịch cùng bị truy tố vì đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và bất chấp pháp luật trong hoạt động cho vay, đảo nợ của ngân hàng, dẫn tới việc bị “rút ruột”, gây thiệt hại cho 3 ngân hàng trên với số tiền lên tới hơn 433 tỷ đồng.

Có tới 17 người là lãnh đạo chi nhánh, cán bộ của các văn phòng giao dịch cùng bị truy tố vì đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và bất chấp pháp luật trong hoạt động cho vay, đảo nợ của ngân hàng, dẫn tới việc bị “rút ruột”, gây thiệt hại cho 3 ngân hàng trên với số tiền lên tới hơn 433 tỷ đồng.

Theo cáo trạng được công bố, Nguyễn Thị Hà Thành đã huy động tiền từ các tổ chức, cá nhân khác nhau bằng hình thức cùng gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu, sau đó đưa sổ tiết kiệm cho mình quản lý hoặc gửi vào tài sản công ty rồi phong tỏa lại, chỉ có người vay mới có quyền rút tiền khi đến hạn.

Đồng thời, ngoài việc trả lãi ngoài cho khoản vay, thỏa thuận với nhân viên ngân hàng ngoài phát hành sổ tiết kiệm theo quy định, còn có hành vi phát hành thêm hợp đồng tiền gửi để đưa cho người đồng sở hữu.

Thành sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, ký giả chữ ký người đồng sở hữu trong bộ hồ sơ vay vốn để vay tiền từ ngân hàng, đáo hạn các khoản vay đã đến hạn tại ngân hàng để trả lãi, chi tiêu cá nhân, đầu tư.

Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng từ nhóm bị cáo của 3 ngân hàng

Trong vụ việc liên quan tới Ngân hàng TMCP Việt Á, thông qua mối quan hệ xã hội, Thành tìm cách tiếp cận với Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên quan hệ khách hàng, Phòng Khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Đông Đô), sau đó nhờ Thu Hương nói với Quản Trọng Đức (Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Trưởng Phòng giao dịch Đông Đô) về việc Thành sẽ cùng đồng sở hữu gửi tiền số lượng lớn vào ngân hàng này, đồng thời, ngay sau khi gửi sẽ cầm cố số tiền gửi (sổ tiết kiệm) để vay tiền ngân hàng.

Do Thành cần có một loại giấy tờ để chứng minh tài chính khi đi quan hệ xin dự án, Thu Hương đã đề xuất với Đức và được đồng ý. Theo đó, ngoài việc phát hành một sổ tiết kiệm đồng sở hữu theo quy định của ngân hàng, sẽ phát hành thêm “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và “Giấy đề nghị phong tỏa”. Thực tế, nếu đồng ý với yêu cầu này, Thành mới cùng đồng sở hữu gửi tiền, nếu không thì Thành sẽ không gửi tiền.

Mặc dù đã biết Thành có hành vi ký giả chữ ký của các đồng sở hữu để vay tiền tại Ngân hàng Việt Á, nhưng Hương vẫn lập các giấy tờ trên để đưa cho các đồng sở hữu, để họ tin rằng, tiền của mình đã được Ngân hàng phong tỏa.

Việc này cũng nhằm che giấu các đồng sở hữu về việc Ngân hàng Việt Á phát hành các sổ tiết kiệm và đưa cho Hà Thành để ký giả chữ ký của các đồng sở hữu trên chứng từ của bộ hồ sơ vay.

Trong khâu gửi tiền tiết kiệm, do Ngân hàng Việt Á chỉ áp dụng hình thức hợp đồng tiền gửi cho khách hàng doanh nghiệp, nên Quản Trọng Đức đã cho phát hành trái quy định Hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân và Giấy đề nghị phong tỏa. Các văn bản này do Thu Hương tự đánh số và không đưa vào hệ thống để quản lý, lưu trữ.

Quản Trọng Đức biết rõ, ngay sau khi gửi tiền, nhóm khách hàng này sẽ cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ra, nhưng vẫn “dặn dò” các nhân viên khác rằng, Nguyễn Thị Hà Thành là khách hàng VIP, nên phải hỗ trợ tối đa cho Thu Hương (trong việc làm các thủ tục).

Các giao dịch viên, thủ quỹ tin tưởng, nên đồng ý ký các chứng từ của bộ hồ sơ gửi tiền trước khi khách hàng ký, hoặc ký khống chứng từ nộp tiền khi Hà Thành chưa có tiền nộp vào Ngân hàng.

Thậm chí, để cho người đồng sở hữu tin và đồng ý bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm, Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng Khách hàng cá nhân) còn giúp Thành vay “nóng” và được hứa hẹn sẽ trả lãi cao.

Nhiều trường hợp, khi chưa vay được tiền, Quỳnh Hương đã nói với giao dịch viên, thủ quỹ và Nguyễn Mai Phương (Kế toán phòng giao dịch) lập và ký trước chứng từ nộp tiền mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, trong đó có số tiền của Thành (hoặc người do Thành chỉ định) mà Quỳnh Hương dự định sẽ vay.

Hợp đồng tiền gửi và các chứng từ kèm theo của bộ hồ sơ tiền gửi này, Thu Hương, Thành đưa cho người đồng sở hữu giữ để làm tin. Sau khi người đồng sở hữu ra về, Quỳnh Hương, Thu Hương nói với giao dịch viên và thủ quỹ là không vay được tiền cho Thành, đồng thời chỉ đạo Mai Phương cùng giao dịch viên lập lại các chứng từ mở sổ tiết kiệm chỉ bằng số tiền do người đồng sở hữu đem đến ngân hàng.

Cũng có trường hợp, Thu Hương giúp Thành lập Hợp đồng tiền gửi thể hiện số tiền đồng sở hữu (gồm tiền của Thành hứa góp và tiền của người đồng sở hữu), nhưng trên sổ tiết kiệm (tiền thực tế gửi vào ngân hàng) chỉ có tiền của người đồng sở hữu.

Khi có sổ tiết kiệm trong tay, Thu Hương, Quỳnh Hương lại giúp Thành thế chấp, vay tới 95% giá trị và Đức tiếp tục giúp Thành chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng bằng việc ký duyệt các chứng từ của bộ hồ sơ.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, để che giấu hành vi của mình và đồng phạm, Thu Hương và Đức còn giúp Thành tất toán khống khoản vay mà Thành đã chiếm đoạt trước đó khi đến hạn. Đức chỉ đạo nhân viên phụ trách hồ sơ lập khống chứng từ thu tiền để hợp thức việc tất toán, giữ lại sổ tiết kiệm để Thành tiếp tục thế chấp sổ tiết kiệm này thực hiện khoản vay mới, giải ngân bù vào số tiền lập phiếu thu khống để tất toán khoản vay trước.

Liên quan tới Ngân hàng Việt Á, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) sử dụng tư cách pháp nhân công ty này để lập khống các hợp đồng mua bán hàng hoá, các biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Eurocell (đã chấm dứt hoạt động từ năm 2017) và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nguyên.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, phê duyệt, bị cáo Trần Thị Hoa, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội, đã duyệt cấp tín dụng 2 khoản cho vay vào tháng 6/2018 cho Công ty Eurocell, với tổng số tiền 38 tỷ đồng, nhưng không biết doanh nghiệp này đã dừng hoạt động.

Trước đó, Nguyễn Hồng Trung, Trưởng nhóm Quan hệ khách hàng doanh nghiệp (Trung tâm Doanh nghiệp Vạn Xuân - Khu vực Tây Hà Nội) đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định cấp tín dụng và quy trình giải ngân tiền vay, nhưng vẫn lập tờ trình thẩm định tín dụng và tờ trình giải ngân đề xuất cấp tín dụng cho Công ty Jeongho Landmark số tiền 47,5 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành vay của Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.

Lợi dụng sự sơ hở trong quá trình thẩm định, ký hồ sơ cho vay của nhân viên Ngân hàng PVcomBank trong hoạt động thu thập hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng và giải ngân, Thành đã chiếm đoạt số tiền 49,4 tỷ đồng

Ngân hàng từ chối trả lại tiền gửi cho khách hàng

Trong tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng được cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của 3 ngân hàng, khách hàng thiệt hại nhiều nhất là ông Đặng Nghĩa Toàn, với 122 tỷ đồng.

Ông Toàn cho biết, ông không biết Thành sử dụng các sổ tiết kiệm để cầm cố cho các khoản vay tại 3 ngân hàng trên, đồng thời chưa nhận được tiền gốc và lãi từ 122 tỷ đồng đã cho vay. Do đó, ông đề nghị tòa buộc các ngân hàng phải trả gốc và lãi của số tiền này.

Tuy nhiên, Ngân hàng Việt Á cho biết, đã dùng các khoản tiền gửi của các đồng sở hữu bảo đảm cho các khoản vay của Thành tại Ngân hàng, tất toán các khoản vay để khắc phục hậu quả của tội phạm.

Phía Ngân hàng Việt Á cũng đề nghị tòa đánh giá động cơ, lỗi của các đồng sở hữu, trong đó có việc ông Toàn đã giúp Thành, Tùng vay và chiếm đoạt của Ngân hàng số tiền gần 274 tỷ đồng, làm căn cứ tuyên tịch thu số tiền các đối tượng này giúp Thành, Tùng cầm cố vay trái pháp luật, để khắc phục hậu quả thiệt hại tại Ngân hàng Việt Á.

Về phần mình, PVcomBank cho biết, với số tiền 52 tỷ đồng trên 3 sổ tiết kiệm đứng tên ông Toàn và vợ, Ngân hàng đã thực hiện phong tỏa tiền gửi (gồm cả gốc và lãi). Ngân hàng đề nghị Tòa xác định giao dịch ông Toàn cho Thành vay tiền là bản chất, các giao dịch vay vốn, gửi tiết kiệm sau này đều là giả tạo, nên bị xác định vô hiệu. PVcomBank cũng đề nghị buộc Thành và đồng phạm trả tiền cho ông Toàn, bà Trang (vợ ông Toàn); hủy bỏ các sổ tiết kiệm do vợ chồng ông Toàn gửi tại ngân hàng này.

Trong khi đó, Ngân hàng NCB chưa đưa ra quan điểm về trách nhiệm dân sự, đồng thời khẳng định, liên quan tới số tiền 50 tỷ đồng trên 4 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn, Ngân hàng đã thực hiện phong tỏa tiền gửi (gồm tiền gốc là tiền lãi).

Xét xử nhóm “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành
Do làm ăn thua lỗ, Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, móc ngoặc với một số cá nhân và 17 cán bộ của 3 ngân hàng để thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư