Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu sợi tăng nhanh nhưng chưa vui
Thế Hoàng - 04/10/2015 14:06
 
70% sản lượng sợi sản xuất trong nước được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, không thể bán được tại nội địa do khâu dệt nhuộm kém phát triển.
Những năm gần đây, công suất ngành sợi đã tăng rất nhanh
Những năm gần đây, công suất ngành sợi đã tăng rất nhanh

 

Việt Nam sản xuất được ngày càng nhiều sợi, nhưng không bán được tại thị trường trong nước mà hầu hết đều phải xuất khẩu.

9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu xơ sợi đã vượt 1,9 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xơ sợi cũng lên tới 1,1 tỷ USD.

Những năm gần đây, công suất ngành sợi đã tăng rất nhanh, do nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với quy mô lớn đã được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, do khâu dệt nhuộm trong nước còn quá yếu nên các doanh nghiệp (DN) đều phải tìm đầu ra cho sợi bằng đường xuất khẩu.

Chỉ tính riêng năng lực cung ứng sợi từ 1 nhà máy của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên, Quảng Ninh đã có quy mô khoảng 450.000 tấn sợi/năm, phần lớn sản phẩm từ nhà máy này được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu.

Trong khi đó, ngay trung tuần tháng 9 vừa qua, một DN trong nước là Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cũng đã khánh thành Nhà máy sợi Trảng Bàng 3 tại Tây Ninh với tổng vốn đầu tư 735 tỷ đồng, công suất 30.000 tấn sợi mỗi năm.

Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ cho hay, Nhà máy Trảng Bàng 3 đi vào hoạt động góp phần tăng tổng công suất của toàn công ty từ 37.000 tấn lên 52.000 tấn sợi/năm.

Ông Hòa cũng cho biết thêm, hơn 70% sản lượng của Sợi Thế Kỷ được dành để xuất khẩu sang  châu Âu và châu Á, với đối tượng khách hàng chính là các nhà sản xuất vải cao cấp chuyên cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Uniqlo, Decathlon, Puma, Columbia, Guess…

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, trong khi đầu tư cho khâu sợi, may đang tăng nhanh và có được bước tiến dài về quy mô, thì điểm nghẽn của ngành dệt may hiện nay chính là khâu dệt nhuộm, tốc độ cải thiện rất chậm.

Bà Dung lấy dẫn chứng, khâu nhuộm hoàn tất quá kém, Việt Nam thường xuất khẩu vải mộc sang Hàn Quốc, tại đây, vải mộc được nước bạn hoàn tất, rồi sau đó lại nhập khẩu trở lại Việt Nam để phục vụ sản xuất hàng may mặc.

Cũng bởi dệt nhuộm quá yếu nên hầu hết các sản phẩm sợi được sản xuất tại chỗ đều không thể bán được trong nước. Bên cạnh đó, một số chủng loại sợi do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dệt nhuộm.

Vẫn theo bà Dung, dệt may là một trong những ngành được đánh giá là hưởng nhiều cơ hội về mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực. Tuy nhiên, trước yêu cầu về quy tắc xuất xứ ngặt nghèo, phải đảm bảo được nguyên liệu từ khâu sợi trở đi sản xuất tại Việt Nam và các nước thành viên TPP, đang đặt các DN dệt may vào thế khó, đồng nghĩa với cơ hội được ưu đãi thuế 0% ít đi.

Việt Nam hiện đang nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu, từ xơ sợi, vải… chủ yếu từ Trung Quốc, vốn không phải là thành viên TPP.

Số liệu thống kê của Vitas cho thấy, 9 tháng qua, nhập khẩu vải của Việt Nam đã lên tới 7,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Năm 2014, chi nhập khẩu vải lên tới 9,5 tỷ USD, dự báo, với đà nhập khẩu phục vụ xuất khẩu và làm hàng nội địa như hiện nay, nhập khẩu vải cả năm sẽ vượt 10,5 tỷ USD.

Trên thực tế, sự chậm phát triển của khâu dệt nhuộm, hoàn tất càng chậm được cải thiện, càng khiến giá trị gia tăng và sự chủ động của ngành may kém đi nhiều.

Trong khi đó, phần lớn các đối tác nhập khẩu lớn tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu muốn chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói, từ kéo sợi, dệt vải cho đến cắt, may. Một bộ phận DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với lợi thế về đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín đang là đối tượng tìm đến của các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, EU, Nhật Bản… Đó cũng là lý do giải thích tại sao 70% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may nước ta là do DN FDI mang lại. Đón đầu ưu đãi từ các FTA, vốn FDI vào dệt may từ đầu năm tới nay đã vượt 1,5 tỷ USD.

Điều này cũng được bà Vũ Thị Liên, Giám đốc Công ty cổ phần May Nam Hải thừa nhận, với doanh thu xuất khẩu mỗi tháng hơn 100.000 USD sang thị trường EU, Công ty may Nam Hải cũng giống nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành dệt may, trước mắt khó có thể tận dụng được ưu đãi về thuế quan khi các FTA có hiệu lực.

“Các DN FDI, DN có quy mô sản xuất lớn, có tỷ lệ làm hàng FOB cao… sẽ là đối tượng được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA mang lại. Những DN không đáp ứng được quy định về xuất xứ nguyên liệu, tuy vẫn tận dụng được cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng hiệu quả về lợi nhuận sẽ không cao”, bà Liên nói.

Dự án dệt may "hút" 4,2 tỷ USD vào khu công nghiệp
Ngày 24/9, Savills Việt Nam công bố Báo cáo tình hình hoạt động các Khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, chỉ trong nửa đầu năm 2015, riêng ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư