Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh đẩy mạnh liên kết, phát huy vai trò hạt nhân
Thu Lê - 11/02/2023 08:02
 
Là một trong 3 cực tăng trưởng quan trọng của Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng.
Quảng Ninh cùng với Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông	 ảnh: thu lê
Quảng Ninh cùng với Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông     Ảnh: Thu Lê

Cực tăng trưởng quan trọng

Theo các tuyến hành lang kinh tế mà Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đã nêu, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có mặt ở 3/4 tuyến này. Đồng thời, tỉnh cũng có sự kết nối với tuyến hành lang kinh tế còn lại là tuyến Bắc - Nam (Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Cà Mau) thông qua trục cao tốc chạy dọc tỉnh, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Với định hướng chiến lược là phát triển kinh tế bền vững, cùng những lợi thế sẵn có, Quảng Ninh đã phát huy tốt nội lực và huy động được nguồn lực bên ngoài để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược. Nhờ đó, trong những năm qua, địa phương này phát triển rất tốt. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh vào đầu tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2011 - 2015 của Quảng Ninh đạt 9,2%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%/năm, đều cao hơn so với bình quân chung cả nước. Trong 7 năm liên tiếp (2016-2022), GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số, mặc dù trong đó có đến 3 năm (2020, 2021, 2022) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.

Trong liên kết phát triển vùng, Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016; ký biên bản hợp tác với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017-2020; thống nhất ban hành Kế hoạch Điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020. Tỉnh chủ động triển khai nhiều nội dung ký kết biên bản hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng về việc thực hiện một số nội dung hợp tác kinh tế và đã đạt được những kết quả quan trọng…

Chất lượng tăng trưởng của Quảng Ninh đã được cải thiện đáng kể khi cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giảm dần sự phụ thuộc vào ngành than (từ 35% trong cơ cấu GRDP năm 2010, xuống còn 17,8% năm 2020). Năng suất lao động bình quân tăng từ 85,6 triệu đồng/người năm 2010 lên 165,5 triệu đồng/người vào năm 2015 và 292,9 triệu đồng/người năm 2020.

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế đã tăng lên rõ rệt. Năm 2020, GRDP của tỉnh đạt 219.378 tỷ đồng (gấp 4,3 lần năm 2010, gấp 1,9 lần năm 2015). Đến năm 2022 đạt 269.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm (2020, 2021, 2022) đạt 156.263 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 117.807 tỷ đồng, chiếm 75,4%, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.

Tạo mối liên kết mạnh mẽ

Từng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam đã cho biết, trước khi quyết định đầu tư ra miền Bắc, Tập đoàn đã tìm hiểu ở nhiều địa phương. “Khi đánh giá về tiềm năng phát triển, chúng tôi thấy, Quảng Ninh còn nhiều quỹ đất cho phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, hiện đại. Đây cũng là định hướng của Tập đoàn Amata trong việc phát triển các khu công nghiệp. Hơn nữa, tại thời điểm nghiên cứu đầu tư (năm 2013), chúng tôi đã được lắng nghe kế hoạch xây dựng cao tốc của tỉnh Quảng Ninh. Điều này cũng có nghĩa là sự liên kết về giao thông của địa phương này sẽ rất tốt và tạo nhiều dư địa để phát triển”, bà Somhatai Panichewa cho biết.

Trên thực tế, các nhà đầu tư như Amata đã không thất vọng, khi ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khánh thành, hoàn thành tuyến cao tốc chạy dọc tỉnh, kết nối cả 3 khu kinh tế trong tỉnh với Sân bay quốc tế Vân Đồn và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Trục cao tốc dài 176 km này cũng đã phá thế độc đạo của Quảng Ninh, giúp kết nối 3 vùng động lực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đó là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tăng tính liên kết không chỉ trong nội vùng, mà còn là quốc tế.

Cũng từ tuyến cao tốc này, tháng 7/2022, Quảng Ninh cùng với Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, tạo thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP.HCM. Đây là sáng kiến hoàn toàn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Đây là liên kết kinh tế mạnh, góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung”.

Không chỉ tham gia trục cao tốc phía Đông, để khẳng định vai trò là trung tâm kết nối, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương phía Bắc của tỉnh, gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh để cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng.

Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức khởi động, ra quân thi công Dự án Đường tỉnh 342, nối TP. Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, với quy mô vốn hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Quảng Ninh cũng hợp tác với Hải Dương, Hải Phòng để thực hiện nhiều dự án giao thông, hoàn thiện sự kết nối giữa các địa phương với nhau. Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang được xây dựng; cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vừa mới khởi công (ngày 2/2/2023); cầu Triều nối thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với thị xã Đông Triều đã hoàn thành…

Phát triển kinh tế biển

Nghị quyết 30-NQ/TW đã đặt ra một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là “phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng”.

Với 250 km đường bờ biển và trên 6.000 km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu, ít bồi lắng, Quảng Ninh đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thể thực được nhiệm vụ này. Hơn nữa, tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế...

Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải, điều kiện kinh tế biển của Quảng Ninh có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực. Cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40,5% tổng lượng hàng hóa và hành khách khu vực phía Bắc.

Hơn nữa, khi thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Quảng Ninh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kinh tế biển, là trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Cuối tháng 10/2021, Quảng Ninh đã chính thức khởi công Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, trên diện tích 82,79 ha, tại xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái; tổng mức đầu tư giai đoạn I là trên 2.248 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong 3 năm. Tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét (cụm cảng Cẩm Phả), nơi có luồng nước sâu, đã từng đón tàu lớn nhất khu vực miền Bắc với tải trọng gần 180.000 tấn vào làm hàng.

 “Với hạ tầng kết nối liên vùng đồng bộ, hạ tầng kinh tế biển liên tục được đầu tư, sự quan tâm từ Trương ương về mặt cơ chế, chính sách, Quảng Ninh và Hải Phòng đang dần trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng”, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Quảng Ninh tiếp tục coi trọng và làm tốt công tác xây dựng Đảng
Đó là yêu cầu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh ngày 04/2 vừa qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư