Đầu tư bất động sản không chỉ cần tiền và... "máu liều"
Thông tin hàng loạt lãnh đạo công ty kinh doanh bất động sản làm ăn gian dối bị bắt là một tín hiệu tích cực cho thị trường. Còn đối với các nhà đầu tư, đây là hồi chuông cảnh báo hết thời ăn may, buộc phải tính đến chiến lược bài bản để đi đường dài.
Nhà đầu tư nếu không tỉnh táo, chỉ chạy theo cơn nóng sốt và lời giới thiệu ngon ngọt của môi giới rất dễ mất tiền
Nhà đầu tư nếu không tỉnh táo, chỉ chạy theo cơn nóng sốt và lời giới thiệu ngon ngọt của môi giới rất dễ mất tiền

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp “xộ khám”

Năm 2019, thị trường bất động sản phía Nam “dậy sóng” vì hàng loạt dự án ma của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) bị phanh phui. Sau hơn 3 năm tung hoành, vẽ các dự án ma tại TP.HCM và các vùng lân cận, Công ty Alibaba đã “móc túi” của hàng nghìn khách hàng hàng nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đã được báo chí lên tiếng cảnh báo từ rất lâu, nhưng vụ việc chỉ vỡ lở khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM quyết định khởi tố và bắt giữ Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, em ruột của Luyện) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Mới đây, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố thêm 14 bị can khác đều là cấp dưới của Nguyễn Thái Luyện và giữ vị trí lãnh đạo then chốt trong hệ thống Công ty Alibaba.

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết, tính đến ngày 20/2 đã có 3.312 nạn nhân tố cáo bị Công ty Alibaba lừa đảo với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.

Tài liệu thu thập cũng như hồ sơ trong quá trình điều tra mà Công ty
Alibaba cung cấp trước đó thể hiện, công ty này đã lừa bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng. Vì vậy, Công an TP.HCM đánh giá, vẫn còn nhiều nạn nhân bị Công ty Alibaba lừa đảo chưa đến trình báo, tố cáo.

Tiếp đến là vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Angel Lina. Tháng 11/2019, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty, bị Công an TP.HCM bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, vào năm 2017, thông qua hành vi sử dụng pháp nhân của Công ty Angel Lina, Công ty Đất vàng Hoàng Gia, bà Nhung đã tìm những người có nhu cầu bán đất với diện tích lớn bao gồm: đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… để thỏa thuận mua bán rồi ký biên bản đặt cọc hứa mua, hứa bán để tạo niềm tin.

Với những loại đất này, bà Nhung không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cũng không được các cơ quan nhà nước cấp phép, phê duyệt, nhưng vẫn vẽ ra quy hoạch chi tiết 1/500… rồi tiến hành phân lô và cho quảng cáo để thu hút người dân.

Sau khi nhận tiền cọc từ khách hàng, bà Nhung cho ký hợp đồng bằng hình thức góp vốn với nhiều cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, khi lấy được tiền của khách hàng, bà Nhung không thực hiện dự án, không hoàn trả lại tiền, đưa ra nhiều lý do lẩn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của người mua với số tiền lớn.

Hành vi sai phạm của Phạm Thị Tuyết Nhung đã cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ước tính số tiền bà Nhung chiếm đoạt của khách hàng vào khoảng 285,6 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 27/2/2020, Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bà Vũ Bảo Trinh (người điều hành), Tô Văn Chí Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Nam Thị) và Hoàng Thái Anh (nguyên Giám đốc Công ty Nam Thị).

Nguyên do bởi vào năm 2018, người mua căn hộ tại La Bonita đã có đơn tố giác hành vi của các đối tượng nói trên. Các đối tượng nói trên đã thay đổi tên, ký hiệu căn hộ và thay đổi chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp để khách hàng lầm tưởng mua căn hộ, sàn thương mại khác nhau. Chính việc làm này đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện suốt nhiều năm qua. Các khách hàng nhiều lần yêu cầu Công ty Nam Thị giải quyết và hứa hẹn sẽ trả lại căn hộ hoặc trả lại tiền nhưng thực tế không có kết quả.

Theo kết quả điều tra ban đầu, có khoảng 30 căn hộ tại Chung cư La Bonita đã được bà Vũ Bảo Trinh cùng một số người khác lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Hay tại Bình Dương, cơ quan chức năng tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc và Hoàng Anh Vui, Giám đốc pháp lý của Công ty Bình Dương City Land (địa chỉ tại phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, Công ty Bình Dương City Land đã lập ra nhiều dự án “ma” mang tên Khu dân cư Happy Home (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và Khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, Khu dân cư Green City, Khu dân cư Green City 2… (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Các dự án này chỉ ở dạng mới lập hồ sơ xin chủ trương. Do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nên cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương chưa tiếp nhận. Tuy nhiên, Công ty Bình Dương City Land vẫn rao bán và ký kết với khách hàng. Người mua đất phải nộp trên 90% giá trị khi mua đất, trên 300 triệu đồng/nền.

Ghi nhận tại thực địa cho thấy, nhiều khu đất mà Công ty Bình Dương City Land giới thiệu dự án đến khách hàng hiện vẫn được bao quanh bởi rừng cao su, hạ tầng kỹ thuật chưa có, chỉ là một miếng đất trống được san ủi trước đó.

Nhà đầu tư phải chuyên nghiệp

Theo một số chuyên gia trong ngành, việc hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản làm ăn gian dối “xộ khám” sẽ giúp thị trường trong sạch hơn. Nhưng những vụ việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của khách hàng, tạo tâm lý e ngại trước khi quyết định đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding chia sẻ, việc các doanh nghiệp bất động sản làm ăn lừa đảo và lãnh đạo bị bắt cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật. Làm sai thì phải trả giá, nhưng việc này cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường bất động sản sẽ trở về giá trị thực. Khách hàng có nhu cầu ở thực hoặc đầu tư lâu dài sẽ mua được dự án tốt với giá hợp lý và pháp lý minh bạch.

“Trước đây, nhiều người thường chủ quan và mua bán sang tay, thiếu an toàn. Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay, khách hàng cần có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về hồ sơ pháp lý của sản phẩm, cũng như giao dịch với những chủ đầu tư, môi giới có uy tín. Ngoài ra, các công ty cũng phải có trách nhiệm tư vấn chi tiết về pháp lý cho sản phẩm mình rao bán”, ông Hậu nói.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân cho biết, bản thân ông cũng đã từng bị lừa rất nhiều khi mới bắt tay vào đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, từ những vấp ngã đó, ông đã rút ra được những bài học rất sâu sắc. Cụ thể, để tránh bị lừa, nhà đầu tư cần phải là “trùm” khu vực, “trùm” phân khúc, đồng thời cần phải có kỹ năng sàng lọc thông tin và lựa chọn người môi giới tốt.

“Chúng ta cần phải hiểu rằng, để đầu tư thành công, ngoài tiền ra thì một nhà đầu tư bất động sản cá nhân còn cần rất nhiều yếu tố khác, như phải trang bị cho mình kiến thức nền tảng của thị trường, tư duy, kỹ năng và công cụ. Tôi luôn luôn khuyên rằng, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân cần phải đầu tư vào cái đầu, trước khi đầu tư bất động sản”, ông Chánh nói.

Cũng theo ông Chánh, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và tại TP.HCM, hay các thành phố lớn khác nói riêng đều đã thay đổi. Sự thay đổi này là rất lớn nếu so sánh thị trường cách đây khoảng 10 năm trước đây. Do đó, nhà đầu tư không thể giao dịch theo truyền thống, theo những kinh nghiệm học lỏm từ những người khác nữa. Họ phải được trang bị kiến thức chuyên nghiệp, bài bản, và nên đầu tư cùng một nhóm để có thể hỗ trợ nhau nhất trong hoạt động giao dịch.      

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản