Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Các ngân hàng vẫn phải gồng lưng thu nợ
Thùy Vinh - 11/01/2016 09:45
 
Dù ngành ngân hàng đã hoàn thành việc kiểm soát nợ xấu về ngưỡng 3% sớm hơn 1 tháng so với mục tiêu, song đây vẫn chỉ là giải pháp làm “sạch” sổ sách tạm thời và các ngân hàng vẫn phải “gồng” lưng thu hồi nợ.
.
Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu danh sách về tự xử lý nợ

Tính đến ngày 30/9/2015, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu bán nợ hoặc tự xử lý nợ để đưa nợ xấu về dưới 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, nhiều cái tên được nhắc tới như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)… 

Cụ thể, BIDV là ngân hàng bán nợ nhiều nhất cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), với hơn 11.000 tỷ đồng, vượt 25% so với kế hoạch. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritimebank) với gần 6.000 tỷ đồng nợ đã bán cho VAMC, trong khi kế hoạch chỉ là 4.600 tỷ đồng. Đáng chú là, số nợ xấu mà SCB bán cho VAMC ước đến cuối năm 2015 lên đến 15.000 tỷ đồng, do ngân hàng này được hợp nhất bởi 3 tổ chức tín dụng.

Tuy nợ xấu đã được sớm đưa về dưới ngưỡng 3%, song các ngân hàng phải ra sức xử lý nợ xấu mới có thể khơi thông được dòng chảy tín dụng. Chính vì vậy, cùng với việc bán nợ qua VAMC, các ngân hàng phải tăng nguồn dự phòng rủi ro để tự xử lý nợ và tích cực trong việc thu hồi nợ.

Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu danh sách về tự xử lý nợ, khi mới hết 8 tháng đầu năm 2015 đã tự xử lý được hơn 8.400 tỷ đồng, vượt gấp rưỡi kế hoạch đề ra. BIDV tự xử lý nợ được hơn 4.200 tỷ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch đề ra cho cả năm. MB tự xử lý nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi VPBank cũng tự xử lý được hơn 2.000 tỷ đồng.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, ACB đã xử lý thu hồi được 900 tỷ đồng nợ. Tuy nhiên, ACB còn có khoản nợ của “bầu Kiên” để lại, vẫn chưa được giải quyết xong. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, lãnh đạo ACB cho biết, các khoản nợ xấu này vẫn được ACB trích lập dự phòng đầy đủ và đang từng bước xử lý theo đề án đã được trình NHNN.

Để đảm bảo hoạt động và làm “sạch” được nợ xấu đòi hỏi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận teo tóp. Trường hợp điển hình là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), trong 11 tháng đầu năm 2015, đã trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.172 tỷ đồng, nên lợi nhuận còn lại 552 tỷ đồng trước thuế, đạt 52% so với kế hoạch năm.

Theo lãnh đạo Eximbank, trước mắt lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro còn lại ít, các cổ đông không nhận được cổ tức. Nhưng trong tương lai, khi Eximbank thu hồi được các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng trước đây, dự phòng sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận, cổ tức của cổ đông sẽ tăng.

Một số ngân hàng khác cũng nỗ lực xử lý và thu hồi nợ trong năm 2015. Đến hết tháng 8/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vượt gấp 2 lần kế hoạch xử lý 500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), đến cuối tháng 8/2015, thu hồi được 398 tỷ đồng nợ, nhưng đến cuối tháng 9 đã đạt 656 tỷ đồng. Trong khi đó, vẫn có những ngân hàng còn cách xa mục tiêu tự xử lý nợ như Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) mới đạt 23%...

Các ngân hàng kỳ vọng, bất động sản hồi phục là điều kiện tốt để đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu thời gian tới. Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC cũng được xem là lối ra cho nợ xấu trong năm 2016.

Khối ngân hàng có còn lãi "khủng"?
Mặc dù chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh 2015, song đến thời điểm này, có khá nhiều ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch đề ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư