Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dè dặt đề xuất nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ
Hàn Tín - 23/05/2013 10:36
 
Các đại biểu Quốc hội vừa kết thúc phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội với một số đề xuất dè dặt là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Họp tổ Đoàn đại biểu Quốc hội Yên Bái, Điện Biên, Quảng Trị, Sóc Trăng

Lấy ví dụ bài học từ Nhật Bản, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng, ông Hoàng Thanh Tùng nêu vấn đề, lạm phát đang ở mức rất thấp, ngân hàng nên nhân cơ hội này bơm vốn mạnh hơn cho nền kinh tế, Chính phủ tập trung đầu tư vào các công trình, dự án đang giãn, hoãn, dừng thi công để lấy lại đà tăng trưởng GDP.

“Sau trận động đất và sóng thần năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã tập trung đầu tư vào những khu vực bị thiệt hại, đồng thời nhân cơ hội này ngân hàng của họ cũng đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Kết quả là nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng rất nhanh trở lại. Chúng ta có nên học học tập kinh nghiệm này?”, ông Tùng đặt vấn đề.

“Lạm phát của Nhật Bản luôn ở mức rất thấp trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ cũng thụt lùi trong nhiều năm. Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe đã có quyết định táo bạo là cố gắng đẩy lạm phát lên cao thông qua đẩy mạnh chi tiêu công, đầu tư công và đưa vốn ra nền kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế Nhật Bản phục hồi rất nhanh trong thời gian gần đây”, ông Tùng nói thêm.

Thông điệp thắt chặt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được Chính phủ tuyên bố khá rõ ràng trước Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm nay cao nhất chỉ ở mức 12% (năm 2012 là 15%). Từ nay đến cuối năm kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cần thiết; thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương), trong đó, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác.

“Triển khai kế hoạch ngân sách hồi đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên, giờ lại yêu cầu tiết kiệm thêm 30% thì hoạt động của các cơ quan sử dụng ngân sách sẽ hết sức khó khăn”, ĐBQH tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắm phân vân.

Ông Thắm băn khoăn, nếu tiết kiệm triệt để như yêu cẩu của Chính phủ không biết ngân sách giảm chi được bao nhiêu, trong khi đó, nếu giảm chi thường xuyên thì các quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công chỉ còn cách giảm đi công tác địa phương, giảm đi thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ khiến hiệu quả quản lý nhà nước bị ảnh hưởng.

Ông Tùng cũng lo ngại, đầu năm đã giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên rồi, giờ lại giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm thì không biết các đơn vị sử dụng ngân sách chi tiêu thế nào, chắc lại phải “liệu cơm gắp mắm” bằng cách giảm đi công tác, thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Bình luận về việc cắt giảm chi tiêu công và hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 12% trong năm nay, ông Nguyễn Thành Tâm, ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cho rằng: “Chính phủ cắt thuốc quá liều”.

“Chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 và 5 tháng đầu năm nay ở mức khá thấp, vì thế cần phải tính đến phương án nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở mức hợp lý hơn để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng GDP”, ông Tâm dè dặt đề xuất.

Ông Tâm cho rằng, khó khăn nội tại của nền kinh tế từ đầu năm 2012 đến nay là cầu quá thấp so với cung. “Thuốc chữa” là kích cầu bằng nhiều chính sách cả tài khóa lẫn tiền tệ nhưng phải hết sức cẩn trọng để tránh quy luật: kích cầu bằng nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng, lạm phát cũng tăng theo; kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tài khóa - tiền tệ thì giảm được lạm phát thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm theo.

Nhìn vào kết quả đấu thầu trái phiếu chính phủ, hoạt động huy động và cho vay của của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay, ĐBQH tỉnh Lao Cai, ông Phạm Văn Cường nhận định, rất nhiều khả năng nhiều ngân hàng đang “dồn tiền” để mua trái phiếu chính phủ cho chắc ăn vì vừa được hưởng lãi suất hợp lý vừa không sợ rủi ro tín dụng.

Theo ông Cường, cần phải sử dụng công cụ tài chính để khuyến khích ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn thay vì tập trung mua trái phiếu chính phủ. Các ngân hàng cũng không nên quá lo ngại nợ xấu gia tăng nếu cho doanh nghiệp vay vốn, kể cả doanh nghiệp đang có nợ quá hạn đầu tư vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao.

“Thực tế của nền kinh tế nước ta cho thấy, lạm phát và tăng trưởng kinh tế thường có mối quan hệ mật thiết với nhau: lạm phát cao thì tăng trưởng kinh tế cao và ngược lại. Trong khi lạm phát đang thấp nên tính đến phương án nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để tạo đà cho tăng trưởng GDP. Với diễn biến của thị trưởng trong nước và quốc tế như hiện nay, nếu lới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở mức hợp lý vẫn bảo đảm mục tiêu lạm phát dưới 8% như Quốc hội đã đặt ra”, Ông Hoàng Đức Thắm đề xuất.

Giảm thuế để phá ‘cục máu đông’
Phần đông doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cần thiết phải tiếp tục điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư