Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giai đoạn này, nên theo đuổi chính sách khoan sức dân
Khánh An - 09/11/2021 08:03
 
Các đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm.
.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Tổng số tiền các cấp, các ngành thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất theo các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trong năm nay sẽ vào khoảng là 118.000 tỷ. Trong đó, các khoản được gia hạn là 115.000 tỷ, tỷ lệ các khoản miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng tương đương với 2,5%. Đây là con số do Chính phủ báo cáo, dự kiến cho cả năm 2021.

Khoản này theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) là quá thấp, chưa tương xứng với đóng góp của doanh nghiệp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Thông nhắc đến các khoản doanh nghiệp đã hỗ trợ như 8.795 tỷ đồng cho quỹ vắc-xin và những thiệt hại của doanh nghiệp trong dịch COVID-19.

“Đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp lớn hơn, xem đây là nguồn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp và giúp đỡ doanh nghiệp để phục hồi sau đại dịch. Tôi nghĩ nếu chúng ta bỏ một đồng cho doanh nghiệp có thể tạo thêm công ăn, việc làm, doanh thu từ đó sẽ kích thích phục hồi kinh tế nhanh hơn”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang trở lại hoạt động khá nhanh, trong đó có phần tác dộng từ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được Quốc hội, Chính phủ ban hành liên tiếp từ khi dịch Covid-19, bùng phát. Các giải pháp  nêu trong Nghị quyết 105 ngày 9/9/2021 của Chính phủ cũng như giải pháp mới ban hành trong Nghị quyết 46 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 đang tiếp tục phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, cần có sự kiểm tra tiến độ và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn giảm các loại thuế, phí, tiền điện, tiền nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến bảo hiểm xã hội.  Các gói hỗ trợ này cần được áp dụng kịp thời để bắt kịp được thời cơ phục hồi

“Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương ban hành những văn bản hướng dẫn việc thực hiện miễn giảm các loại thuế, phí, tiền điện, tiền nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105 ngày 9/9/2021 của Chính phủ”, đại biểu Thông kiến nghị.

Đồng thời, ông cũng đề nghị Chính phủ cần lập một quỹ bảo đảm cho doanh nghiệp vay và cần quy định về điều kiện vay được nới lỏng, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng.

.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đây là đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã tính toán, nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi.

Tất nhiên, đi kèm phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán.

“Cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát, vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường, trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh, đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng”, ông Cường phân tích.

.
Bà Vũ Thị Lưu Mai, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Đặc biệt, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội đề nghị cân nhắc giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế mà Chính phủ đưa ra. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế. Bà Mai lo ngại, dù việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều đó là khó khả thi, kể cả khi chúng ta khống chế được dịch bệnh thì hệ quả cũng còn kéo dài trong những năm tiếp theo. Thêm nữa, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua 2019-2020-2021 trong chính sách tài khóa việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như là một giải pháp hữu hiệu. Ngay khi bàn về kế hoạch năm 2022 rất nhiều ý kiến cũng đề xuất tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn giảm thuế.

"Cá nhân tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó sẽ là cần thiết và hợp lý hơn một chính sách tận thu”, bà Mai thẳng thắn.

Tuần này, Quốc hội thảo luận, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022
Hai ngày đầu tuần, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và dự kiến kế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư