Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản vào các dự án hạ tầng giao thông lớn
Anh Minh - 08/08/2016 16:16
 
Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam tuyến phía Đông, câc dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tp.HCM là các dự án đang kêu gọi vay vốn ODA và đầu tư PPP từ Nhật Bản.
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trên mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực GTVT đã đạt được nhiều thành công.
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trên mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực GTVT đã đạt được nhiều thành công.

Sáng nay 8/8, tại Bộ GTVT diễn ra hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) Keiichi Ishii.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trên mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực GTVT đã đạt được nhiều thành công.

Tthời gian qua, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Các dự án do Nhật Bản tài trợ đều là dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH của Việt Nam như: các công trình tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt Bắc – Nam… Nhiều công trình trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước như: Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân…

Bộ trưởng Nghĩa cũng cho biết những áp lực đối với phát triển hạ tầng giao thông hiện nay tại Việt Nam như: phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM và các cảng hàng không, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, với đường bộ cao tốc, dự kiến từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư xây dựng khoảng 1.300km còn lại đường bộ cao tốc nối Hà Nội – TP. HCM. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần được khẩn trương triển khai để nâng cao năng lực vận tải hành khách, hàng hóa tuyến Bắc – Nam, giảm áp lực cho các loại hình vận tải khác vì tuyến cũ rất lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu. Đầu tư xây dựng đường sắt đô thị đang rất cấp thiết khi mà ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn nhiều năm nay tại Hà Nội và TP. HCM.

Các dự án cấp bách trên đều đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi năng lực vốn của Việt Nam rất hạn chế, nợ công đã tới mức trần. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đang xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

“Mong Bộ trưởng và Chính phủ Nhật Bản thông tin, động viên các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, đầu tư vào các dự án trên”, Bộ trưởng nói đồng thời đề nghị phía Nhật Bản ưu tiên hỗ trợ hai tuyến Hà Nội – Vinh, Sài Gòn – Nha Trang thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tiếp tục nối lại hỗ trợ và thúc đẩy dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi), tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (tuyến Bến Thành – Suối Tiên)…

Bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác và đưa mối quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, Bộ trưởng MLIT Keiichi Ishii đề nghị Bộ GTVT Việt Nam quan tâm để có thể ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ Nhật Bản trong giai đoạn khảo sát nghiên cứu khả thi dự án đầu tư sân bay Long Thành cũng như các dự án đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc – Nam và đường sắt đô thị. Đối với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội (vốn ODA Nhật Bản) bị gián đoạn, chậm tiến độ, Nhật Bản mong muốn nhận được sự hợp tác tích cực của Chính phủ, Bộ GTVT Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ.

“Chúng tôi sẽ thông tin tới các doanh nghiệp Nhật Bản về chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức này cần có các điều kiện, xây dựng được cơ chế, trong đó có điều kiện Nhà nước bảo lãnh đối với các rủi ro của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Keiichi Ishii cho biết.

Về hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa hai Bộ, để có được những kết quả hợp tác tốt đẹp như vậy, bên cạnh sự quan tâm và ủng hộ của Chính phủ hai nước, phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai Bộ và sự hợp tác hết sức chặt chẽ của các cơ quan liên quan của Việt Nam và Nhật Bản thông qua nhiều cơ chế như trao đổi các đoàn cấp lãnh đạo Bộ nhằm rà soát tình hình triển khai các nội dung hợp tác, tổ chức các Hội thảo chuyên đề nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin dự án… Vừa qua, hai Bộ cũng đã phối hợp tổ chức thành công 2 Hội thảo lớn: Hội thảo Phát triển đường bộ cao tốc và Hội thảo Quản lý chất lượng công trình giao thông. Qua đó, Bộ trưởng đánh giá cao cơ chế hợp tác trao đổi thông tin trên đã thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác hiệu quả đóng góp vào nỗ lực chung xây dựng quan hệ đối tác chiến lược bền vững giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao kết quả của buổi Hội đàm giữa hai bên. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa mong muốn sau buổi Hội đàm, trên cương vị người đứng đầu Ngành, hai Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai các nội dung đã được trao đổi tại buổi Hội đàm hôm nay.

Nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện 20 triệu USD tại Đà Nẵng
Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vào ngày 3/8 vừa qua, ông Yasuto Ando, Giám đốc Điều hành phụ trách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư