Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhà băng thất bại tăng vốn và sự im lặng dễ hiểu của NHNN
Thùy Liên - 21/02/2014 09:44
 
Năm 2013 vừa kết thúc với thất bại của hàng loạt ngân hàng về kế hoạch tăng vốn điều lệ. Một số ít ngân hàng chỉ có thể tăng vốn điều lệ bằng cổ đông hiện hữu (phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức), chứ không thể tăng vốn từ cổ đông mới. Ngân hàng lo niêm yết mất nhiều hơn được >Gia đình ông Trầm Bê nắm hơn 20% cổ phần Southern Bank

Từ những kế hoạch tăng vốn thất bại

Vừa qua, báo chí đã phản ánh về trường hợp một nhà băng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng trong năm 2013, nhưng hết năm, vốn điều lệ của ngân hàng này vẫn dừng lại ở con số tối thiểu như cũ, là 3.000 tỷ đồng. Tương tự, Nam Á, Việt Á, Ocean Bank… cũng chưa thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn, dù phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Ngân hàng Nam Á là một trong số các nhà băng thất bại trong kế hoạch tăng vốn
Dù đã được cổ đông thông qua, nhưng nhiều nhà băng chưa thực hiện được kế hoạch tăng vốn

Theo lý giải của lãnh đạo các ngân hàng trên, sở dĩ họ không thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn trong mấy năm qua là do thị trường chứng khoán khó khăn.

Thế nhưng, các chuyên gia ngân hàng lại cho rằng, sự thất bại trong kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng cho thấy nhiều điều. Trong đó, có những câu hỏi về vốn thực của các ngân hàng.

“Từ năm 2008 đến 2010, là giai đoạn thị trường chứng khoán khó khăn, song các ngân hàng vẫn nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Vậy mà từ đó đến nay, nhiều ngân hàng rất chật vật, không thể tăng thêm vốn. Nguyên nhân là, trước đây, các ngân hàng tăng vốn hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian ngắn là nhờ lách quy định sở hữu chéo. Cũng chính vì vậy, vốn điều lệ của ngân hàng thực chất là tăng ảo, tiền trên sổ sách, chứ không phải là tiền thực. Còn hiện tại, việc lách để sở hữu chéo không còn dễ như trước, nên việc tăng vốn khó khăn hơn”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Đến những ngân hàng “gia đình trị”

Theo báo cáo quản trị năm 2013 của Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vừa được công bố, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê đã nắm là 20,81% vốn của ngân hàng. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng quy định, tỷ lệ này không được vượt quá 20%; còn cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng, song thực tế, ông Trầm Bê sở hữu tới 8,36% vốn điều lệ của Southern Bank.

Tuy chưa đến mức vi phạm tỷ lệ sở hữu cổ phần như ở Southern Bank, song ở nhiều ngân hàng khác cũng đang xảy ra tình trạng “gia đình trị”, khi gia đình của một cá nhân chiếm tới 50% số ghế của hội đồng quản trị.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tình trạng vi phạm quy định về sở hữu, ngang nhiên bổ nhiệm cán bộ theo kiểu trong gia đình chính là một trong những nguy cơ gây mất an toàn của hệ thống ngân hàng.

Và sự im lặng “dễ hiểu” của Ngân hàng Nhà nước

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trường hợp nêu trên như ông Trầm Bê là vi phạm các quy định về sở hữu vốn trong ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần buộc các cổ đông này phải bán bớt cổ phần để đưa tỷ lệ sở hữu về mức đúng quy định.

Đáng ngạc nhiên là, dù dư luận phản ứng rất nhiều, song đến nay, NHNN không hề có bất cứ ý kiến hay động thái nào. Tuy vậy, theo một chuyên gia kinh tế, sự im lặng của NHNN là dễ hiểu, bởi trên thực tế, không phải NHNN không biết đến tình trạng nhiều cổ đông lớn đang lũng đoạn ngân hàng, song việc xử lý không hề đơn giản, cho nên “im lặng là vàng”. Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, cả thoái vốn lẫn tăng vốn điều lệ đều rất khó.

Ông Gene Fang, Phó chủ tịch kiêm chuyên gia cấp cao của Công ty Moody’s cho rằng, nguồn vốn của các ngân hàng Việt khó được cải thiện trong vòng gần 2 năm tới.

Chưa kể, nếu yêu cầu thoái vốn ngay trong hoàn cảnh hiện tại, NHNN cũng khó lòng kiểm soát tận gốc “mạng nhện” sở hữu chéo, bởi không ai dám chắc, người mua cổ phần ngân hàng không có “dây mơ, rễ má” với người vừa thoái vốn.

Trong khi NHNN vẫn đang tìm cách bóc dần sở hữu chéo, thì con mắt của các đại cổ đông ngân hàng vẫn đang nhìn về phía NHNN, dè chừng theo dõi. Nói khác đi, màn kịch hay vẫn còn ở phía trước.

Đón xem: 1.000 cuộc thanh tra, vốn ảo vẫn chưa về thực

2014: Tập trung kiểm toán sở hữu chéo ngân hàng
Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện đã qua giai đoạn khởi động. Mặc dù vậy,  GS - TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư