Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sẽ thu phí sử dụng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Mạnh Bôn - 05/05/2021 16:07
 
Số thu từ phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hiện chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ nên đẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.

Bộ Tài chính vừa có thông tin chính thức về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước và nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu.

Phí sử dụng đường bộ chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu bảo trì đường bộ

Liên quan đến việc Bộ Tài chính dự kiến thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế); Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công (do Nhà nước đầu tư) trong khi đó, người dân đã phải nộp phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu.

Bộ Tài chính cho biết, hiện tại số thu từ phí sử dụng đường bộ (theo đầu phương tiện) rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ, do đó dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông mặc dù hàng năm, ngân sách nhà nước đã phải cấp bổ sung từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cần phải nghiên cứu để có các cơ chế phù hợp nhằm bổ sung nguồn thu đáp ứng nhu cầu bảo trì đường bộ, phát triển hệ thống đường cao tốc.

Việc thu phí sử dụng đường bộ các đoạn đường cao tốc do Nhà nước đầu tư kể trên, theo Bộ Tài chính cho là phù hợp với chủ trương, chính sách hiện hành về việc huy động, khơi thông nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Cụ thể, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng.

Trong khi đó, Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam (phía Đông) giai đoạn 2017-2020 đã quy định, đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.

Còn theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì cần phải có chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc dưới nhiều hình thức.

“Căn cứ các quy định nêu trên, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng”, Bộ Tài chính khẳng định và cho biết, ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 67/TB-VPCP (Kết luận của Thủ tướng Chính phủ) về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Lô giao dịch 100 cổ phiếu chỉ là giải pháp tạm thời

Sáng 28/4, Bộ trưởng Bộ tài chính, ông Hồ Đức Phớc đã làm việc với Tập đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành tài chính.
Sáng 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc đã làm việc với Tập đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành tài chính.

Mặc dù tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã giảm hẳn, tuy nhiên đây tiếp tục là vấn đề nóng trên thị trường vì thị trường vẫn áp dụng lô giao dịch 100 cổ phiếu/lần giao dịch thay vì 10 cổ phiếu như trước đây. Thậm chí, ý tưởng nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu vẫn đang được cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tiếp tục… nghiên cứu nhằm chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự quá tải và nghẽn lệnh trong thời gian vừa qua là do thanh khoản thị trường tăng trưởng quá nhanh trong khi năng lực xử lý của hệ thống giao dịch hiện tại có giới hạn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng dịnh, giải pháp nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu (thay vì 10 cổ phiếu thậm chí là một cổ phiếu như thông lệ trên thị trường chứng khoán thế giới) chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đại đa số nhà đầu tư trên thị trường, có lợi cho tổng thể thị trường.

Với những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu lẻ (dưới 100 cổ phiếu mỗi loại), theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhà đầu tư có thể thỏa thuận với các công ty chứng khoán để bán cố phiếu lô lẻ.

“Ủy ban Chứng khoán chưa có phương án tiếp tục nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu. Còn hiện tại, sau khi phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoàn tất và đi vào hoạt động, Ủy ban Chứng khoán sẽ sớm khôi phục môi trường đầu tư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư và thành viên thị trường”, Ủy ban Chứng khoán khẳng định và tha thiết “mong nhận được sự ủng hộ và cùng chung tay của các doanh nghiệp và nhà đầu tư để thị trường sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, hướng tới một thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới”.

Để chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu đầu tư của người dân trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng, Ủy ban Chứng khoán cho biết đang trong quá trình thay thế hệ thống giao dịch hiện hành sang hệ thống giao dịch mới (dự án KRX).

“Theo kế hoạch, Dự án KRX đã hoàn thành trong năm 2020, tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 khiến chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam đúng thời hạn để triển khai công việc nên tiến độ dự án bị kéo dài. Trong thời gian chờ hệ thống mới, Bộ Tài chính đã quyết định lựa chọn phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin do Tập đoàn FPT cung cấp. Phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin của FPT hiện đang được gấp rút triển khai, khi hoàn thành sẽ giải quyết được triệt để tình trạng nghẽn lệnh”, Ủy ban Chứng khoán cam kết.

Cũng liên quan đến thị trường chứng khoán, gần đây một số công ty chứng khoán đã thực hiện huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi... sẽ phát sinh rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán cho biết đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán VNDirect báo cáo, giải trình và đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB dừng thực hiện dịch vụ huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi...

“Đối với Công ty chứng khoán VNDirect, Ủy ban Chứng khoán sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của Công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán”, Ủy ban Chứng khoán thông tin thêm.

VN-Index dứt mạch tăng, nghẽn lệnh “gây khó” dòng tiền mới
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục xác lập kỷ mục trong tháng 3/2021. Nhưng năng lực xử lý có hạn của hệ thống khiến giao dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư