Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 07 tháng 11 năm 2024,
Tiếp sức cho dự án start-up từ các trường đại học
Trần Hà - 21/03/2019 09:51
 
Việc tập trung hỗ trợ cho các start-up không chỉ là động thái đón đầu xu thế của các trường đại học, mà còn là kênh đầu tư được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn lợi lớn trong tương lai cho cả start-up, nhà đầu tư và hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
.
Ngày càng nhiều quỹ ngoại bày tỏ mong muốn đầu tư vào start-up Việt.

Tiềm năng từ các start-up Việt

Trong một hội thảo được tổ chức mới đây tại Hà Nội, tỷ phú người Thụy Sỹ, ông Axel Schultze đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các start-up công nghệ. Ông cho rằng, nếu start-up phát minh ra một ứng dụng nào đó, nhưng không được hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp tạo ra giá trị, mà chỉ bán sản phẩm, ứng dụng cho đối tác ngoại, thì đó là một tổn thất rất lớn.

“Ít ai biết rằng, Google Map là do người Thụy Sỹ xây dựng. Nếu họ giữ lại ứng dụng này, thì giá trị có thể lớn hơn rất nhiều so với mức 50 triệu USD khi được Google mua lại. Tương tự, ở Việt Nam, nếu được hỗ trợ phát triển, các start-up sẽ đem tới nhiều giá trị cho nền kinh tế trong nước…”, ông Axel nói.

Đánh giá tiềm năng đầu tư vào các start-up Việt, ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch phụ trách mảng khởi nghiệp của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khẳng định, các quỹ đầu tư đổ vào các start-up đang tăng đột biến, cho thấy môi trường start-up của Việt Nam khá lành mạnh.

Từng tiếp cận với hầu hết quỹ đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam và khá nhiều quỹ ngoại, ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhiều quỹ đầu tư, nhất là quỹ ngoại bày tỏ mong muốn đầu tư vào start-up Việt.  

Theo nhiều chuyên gia, nền tảng khoa học - kỹ thuật cao, đội ngũ nhân sự trẻ và nhiệt huyết, start-up nhiều tiềm năng phát triển là những lý do khiến nhiều quỹ ngoại quan tâm tới Việt Nam như điểm đến đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Tiếp sức khởi nghiệp

Nguyễn Đức Vinh, sinh viên năm thứ 2, Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cùng nhóm bạn đang phát triển một ứng dụng giúp khách du lịch dễ dàng tìm nhà vệ sinh công cộng và muốn tìm kiếm sự hỗ trợ để phát triển ứng dụng. Nhóm của Vinh nhận thấy, các cuộc thi khởi nghiệp có thể hỗ trợ cho mục tiêu này và nhắm tới các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Trường đại học Ngoại thương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương lấy ví dụ về Dự án khởi nghiệp Elsa, vừa gọi vốn thành công 7 triệu USD từ quỹ Gradient Ventures (một quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Google), để chứng minh, nếu được tiếp sức từ giai đoạn đầu, các nhóm khởi nghiệp hoàn toàn có thể phát triển.

Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP100 là một trong những chương trình do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trường đại học Ngoại thương) tổ chức với mục đích giúp các nhóm sinh viên hoàn thiện dự án khởi nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thông qua chuỗi hoạt động đào tạo, tư vấn và kết nối đầu tư.

“Nhiều nhóm khởi nghiệp chỉ quan tâm xây dựng sản phẩm, nhưng để bán được, cần tập trung vào thị trường, khách hàng và việc đầu tiên cần làm là coi nhà đầu tư là khách hàng đầu tiên”, ông Aaron Everhart, đồng sáng lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Hatch, cố vấn của Chương trình SIP100 nhấn mạnh.

Cùng hỗ trợ khởi nghiệp như Trường đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 3 chương trình, gồm: Cuộc thi Khởi nghiệp, Chương trình Ươm mầm khởi nghiệp (phối hợp với kênh VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam) và Chương trình Ngày hội Khởi nghiệp.

“Với 3 chương trình lớn, quy mô rộng này, chúng tôi kỳ vọng tìm ra những dự án khả thi, tùy theo chất lượng có thể hỗ trợ về kỹ thuật, huấn luyện đào tạo, kết nối với nhà đầu tư để giúp các dự án tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp”, ông Thắng chia sẻ.

Đại học Quốc gia Hà Nội đang có lợi thế trong việc ươm tạo các dự án khởi nghiệp, vì hiện đây là đơn vị duy nhất được hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Đề án Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp hướng dẫn các dự án khởi nghiệp của các trường đại học.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên nguồn tài chính từ xã hội hóa.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cũng không đề cập cụ thể nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường. “Chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên toàn quốc, dù biết rằng, sẽ cần rất nhiều nỗ lực cả về nhân lực và tài chính”, ông Tuấn nói.

Mặc dù hành trình tiếp sức cho các dự án start-up, như ông Tuấn chia sẻ, cần nhiều nỗ lực, nhưng cũng hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi lớn trong tương lai cho cả start-up, nhà đầu tư và rộng hơn là hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, nếu các cơ sở giáo dục đại học này thực hiện thành công chiến lược trở thành trung tâm thu hút các dự án khởi nghiệp.

Gần 900 triệu USD đầu tư vào start-up Việt trong năm 2018

Theo báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào start-up Việt Nam của Chương trình huấn luyện khởi nghiệp (Topica Founder Institute), năm 2018, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào start-up, tương đương năm 2017, nhưng tổng số vốn đầu tư lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm 2017. Trong đó, điểm nhấn là những thương vụ đầu tư “khủng”, khi 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận.

Thống kê cũng cho thấy, 6 lĩnh vực hiện đang được rót vốn nhiều nhất lần lượt là fintech (117 triệu USD), thương mại điện tử (104 triệu USD), công nghệ du lịch (64 triệu USD), công nghệ giáo dục (54 triệu USD), logistics (54 triệu USD) và bất động sản online (47 triệu USD).

Quỹ mạo hiểm Hàn Quốc “nhòm ngó” các start-up Việt
Văn hóa khởi nghiệp được nâng cao đã góp phần giúp số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng nhanh về số lượng trong hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư