Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Tổng giám đốc Vietcomreal Nguyễn Thị Phước: Làm việc bằng cả tấm chân tình
Gia Phú - 29/01/2017 19:40
 
Tập trung đánh vào phân khúc ở thực của người dân, đích thân chọn lựa từ những nguyên liệu nhỏ nhất cho dự án, tự đặt mình vào vị trí khách hàng, xây nhà cho khách như xây nhà cho chính mình, bà Nguyễn Thị Phước đã từng bước tạo chỗ đứng cho thương hiệu Vietcomreal trên thị trường bất động sản sau 13 năm rẽ ngang từ lĩnh vực kinh doanh cà phê.

Như xây nhà cho chính mình…

Mở đầu câu chuyện về cuộc đời kinh doanh của mình bằng một loạt khó khăn, Tổng giám đốc Vietcomreal nói rằng, đã làm kinh doanh thì phải truân chuyên, có thăng trầm mới nên nghiệp lớn. Sự nghiệp của bà cũng không nằm ngoài quy luật đó. Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, nhưng máu kinh doanh lại ngấm vào bà từ nhỏ và chính nó đã khiến bà không thể ngồi yên và quyết định đầu tư phát triển ngành bất động sản đúng vào lúc thị trường đang chuyển động mạnh mẽ.

Bà Phước chọn TP.HCM làm điểm phát triển cho Vietcomreal vì ngành bất động sản chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn. Vietcomreal đặc biệt đề cao tính minh bạch khi làm dự án. Chính vì vậy, việc đầu tiên bà Phước làm là tích tụ quỹ đất, tiến hành đền bù, giải tỏa và hoàn thiện các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Khi quỹ đất đã đủ, thị trường định hình, bà mới bắt đầu đẩy mạnh các dự án tại quận 8, quận 5, quận 4, TP.HCM.

doanh nhân Nguyễn Thị Phước luôn đề cao tấm chân tình, trung thực khi giao thương với các đối tác.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phước luôn đề cao tấm chân tình, trung thực khi giao thương với các đối tác.

“Vietcomreal là tâm huyết của tôi, vì vậy, với tất cả những dự án, tôi đều tận tay chọn lựa từ những nguyên liệu nhỏ nhất. Các nhân viên và đối tác thường đùa vui với tôi rằng: ‘Chị xây nhà cho khách mà như xây nhà để mình ở’, nhưng với tôi, đó là sự thật. Chúng ta không thể làm ra những sản phẩm chạm đến sự hài lòng của khách hàng, nếu không tự đặt mình vào vị trí của họ”, bà Phước trần tình.

Các dự án của Vietcomreal chủ yếu đánh vào phân khúc ở thực của người dân, sở hữu những lợi thế về vị trí, quy hoạch hạ tầng và chất lượng sản phẩm. Song song đó, bà Phước tìm kiếm đối tác nước ngoài có thương hiệu tốt để tăng thêm sức mạnh tài chính và những giá trị khác liên quan đến quá trình phát triển bất động sản nhà ở.

“Mỗi dự án của Vietcomreal khi ra mắt đều có sẵn vị khách hàng đầu tiên là chính chúng tôi trước khi đem bán. Chúng tôi cam kết không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, nhằm đem đến sự hài lòng nhất cho khách hàng khi sở hữu những dự án từ chủ đầu tư Vietcomreal”, bà Phước cho biết.

Chính tấm chân tình của người Vietcomreal đã giúp các dự án của chủ đầu tư này luôn có tỷ lệ giao dịch ở mức cao và được thị trường đánh giá tích cực. Đó là Dự án Riva Park do Hòa Bình thi công đã làm lễ cất nóc vào tháng 9/1/2017, được bình chọn là một trong 9 dự án đang và sẽ thay đổi diện mạo quận 4. Đồng thời, Dự án cũng được nhiều báo mạng bình chọn là một trong 10 dự án bất động sản ấn tượng nhất năm 2016. Đó cũng là Dự án Viva Riverside đạt chứng nhận top 10 dự án kinh tế tốt nhất khu vực phía Nam (Best Affordable Developments) do Timhome trao tặng.

.
Tổng giám đốc Vietcomreal Nguyễn Thị Phước

Thành công là vậy, nhưng bà Phước vẫn luôn xác định, khó khăn vẫn ở phía trước, trong đó khó khăn lớn nhất chính là áp lực từ những thành quả đã đạt được. Điều này thúc đẩy bà không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt xu thế thị trường để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp trong tương lai.

Nói về chiến lược đưa thương hiệu Vietcomreal tiếp tục phát triển trong thời gian tới, doanh nhân Phước cho biết, trong năm 2017, công ty sẽ tiếp tục chọn doanh nhân trẻ từ 25 tuổi trở lên làm đối tượng khách hàng chính. Cụ thể, Vietcomreal sẽ dồn lực tập trung vào chiến lược phát triển dòng sản phẩm trung cấp với mức giá hợp lý. Những dự án được Vietcomreal xây dựng đều nằm ở vị trí đắc địa, gần trung tâm và quận trung tâm, gồm Venus (quận 8), Ventosa (quận 5), Viva Riverside (quận 6) và Riva Park (quận 4).

30 năm thăng trầm với cà phê

“Với tôi, công việc kinh doanh giống như một cuộc chơi với rủi ro lúc nào cũng chực chờ. Chính vì vậy, thay vì loay hoay với các câu hỏi ‘Chúng ta nên làm gì trong lúc thị trường khó khăn?’, thì những nhà quản lý hãy tự hỏi ‘Điều gì đang khiến chúng ta gặp khó khăn?’ và tự tháo gỡ các nút thắt đó”, khó khăn lại một lần nữa được bà Phước nhắc tới.

“Vietcomreal là tâm huyết của tôi, vì vậy, với tất cả những Dự án, tôi đều tận tay chọn lựa từ những nguyên liệu nhỏ nhất. Các nhân viên và đối tác thường đùa vui với tôi rằng: ‘Chị xây nhà cho khách mà như xây nhà để mình ở’, nhưng với tôi, đó là sự thật. Chúng ta không thể làm ra những sản phẩm chạm đến sự hài lòng của khách hàng, nếu không tự đặt mình vào vị trí của họ”

 

Bà chia sẻ, để tránh rủi ro, đừng mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhanh với hàng loạt dự án nhắm vào nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, bởi sẽ bị các đối thủ cạnh tranh ở nhiều phân khúc khách hàng cùng lúc dồn lực “đè bẹp”. “Nói như vậy không có nghĩa là tôi khuyên các nhà quản lý hãy giậm chân tại chỗ. Khi cảm thấy đã đủ lực, đủ kinh nghiệm và tự tin rằng sản phẩm cốt lõi của Công ty đã phát triển bền vững trong ngưỡng an toàn, hãy thử sức ở các lĩnh vực mới”, bà Phước chia sẻ.

Những ai đã từng quen bà Phước từ 30 năm trước đều biết rằng, những chia sẻ trên là những lời gan ruột của bà. Vào khoảng năm 1988, vùng biển Khánh Hòa quê hương gặp khó khăn, bà gom góp chút vốn liếng, một mình khăn gói lên Đắk Lắk lập nghiệp với tổ thu mua cà phê của một trạm kinh doanh tổng hợp tại Buôn Ma Thuột. Cho đến bây giờ, nhớ về những ngày tháng ấy, bà vẫn cho rằng, việc lựa chọn cây cà phê là may mắn với bà vào thời điểm đó, vì dù phát triển chậm nhưng công việc rất bền vững.

Vận số thay đổi khi năm 1995, một năm sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, xác định đây là cơ hội để mình phát triển, không thể cứ quanh quẩn bằng việc mua đi bán lại cà phê, bà Phước lập Công ty Hiệp Phúc tập trung vào việc xuất khẩu cho các công ty ngoại. Ngay khi Công ty được thành lập, bà đã đưa những cái tên như Itochu, Olam, Marubeni của Nhật Bản, Sucafina của Thuỵ Sỹ, Atlantic của Mỹ, Bero của Đức và các tập đoàn có văn phòng đại diện về xuất nhập khẩu nông sản tại Việt Nam vào tầm ngắm.

“Thời điểm đó làm ăn rất dễ, nhưng thị trường lại liên tục biến động vì nhiều doanh nghiệp ra đời, sự cạnh tranh rất lớn. Bên cạnh đó, làm việc với doanh nghiệp nước ngoài rất khó bởi họ yêu cầu cao về chất lượng. Vì vậy, tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu khi giao dịch và chú trọng chất lượng hơn số lượng”, bà Phước nói.

Đó là lý do giá xuất khẩu của Hiệp Phúc thời điểm đó luôn cao hơn thị trường từ 30 đến 50 USD/tấn và cho đến bây giờ, dù quy mô xuất khẩu không như trước, nhưng nhiều đối tác nước ngoài vẫn giữ quan hệ tốt với Công ty. Hiệp Phúc từng là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cho xuất khẩu trực tiếp cà phê.

“Tôi nghĩ rằng, kinh doanh cũng giống như chuyện đối nhân xử thế trong cuộc sống. Cuối cùng điều đáng quý nhất là sự tôn trọng và mối giao tình mà những người xung quanh dành cho bạn, dù bạn còn trên đỉnh cao hay đã nhường vị trí cho người khác”, bà Phước tâm sự.

Bước vào những năm 2000, kinh tế Việt Nam khó khăn, ngành cà phê biến động, việc kinh doanh của Hiệp Phúc cũng thăng trầm, buộc bà phải khép lại phần lớn hoạt động của Công ty và lấn sân sang bất động sản. Bà cho rằng, lĩnh vực xuất khẩu cà phê, nếu làm đàng hoàng, giữ đúng cam kết với đối tác, đặc biệt là khách nước ngoài, thì sẽ không có chuyện phá sản.

Hiện tại, không chỉ chú tâm phát triển 2 doanh nghiệp, bà đang âm thầm đào tạo người kế nghiệp. Bà cho các con học cách kinh doanh bài bản và chia việc cho từng người. Người con trai được đào tạo tham gia mảng bất động sản, con gái lớn quán xuyến lĩnh vực cà phê, còn cô út học về kinh tế ở Mỹ.

Trong 2 doanh nghiệp, Vietcomreal hiện nổi trội hơn, nhưng bà Phước không thể bỏ Hiệp Phúc vì đây là “đứa con” đầu tiên của bà. Với quan niệm, dù có cái mới nhưng không thể nới cái cũ, bà vẫn dành nhiều tâm huyết cho thương hiệu cà phê Phúc Ban Mê. “Để Phúc Ban Mê trở thành thương hiệu phổ biến, chúng tôi đang hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi cà phê Phúc Ban Mê tại TP.HCM vào những năm tới”, bà Phước nói.

Nói về khó khăn muôn thuở của một nữ doanh nhân về việc cân bằng giữa công việc và gia đình, để hóa giải điều này, bà thực hiện chính sách cân bằng, sau đó là đánh đổi và cuối cùng là chấp nhận. Soi chiếu vào chặng đường 30 năm kinh doanh của bà  mới thấy chính sách này hiện diện trong mỗi quyết định của người phụ nữ quyết đoán và có bản năng chu toàn mọi thứ này.

Chủ tịch CTCP Quốc tế Sơn Hà: Tôi thích lời chúc sức khỏe và hạnh phúc
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà dành Tết để nghĩ về… công việc sau Tết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư