Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Từ thương vụ ITL Corp tăng sở hữu tại Sotrans lên gần 97%: Để M&A không hạn chế cạnh tranh
Thanh Thủy - 29/08/2020 11:51
 
Dưới góc độ tập trung kinh tế, hoạt động M&A có thể tồn tại những trường hợp khiến thị trường lâm vào độc quyền, nên cần được theo sát để tránh cạnh tranh không lành mạnh, thao túng thị trường.
Gần 97% vốn của Sotrans đã thuộc về ITL Corp.
Gần 97% vốn của Sotrans đã thuộc về ITL Corp.

Tăng sở hữu tại Sotrans lên gần 97%, ITL Corp có “việt vị”?

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) công bố chính thức tăng sở hữu tại Công ty CP Kho vận miền Nam (Sotrans) từ 41,78% lên 96,75%. Cùng ngày, một công văn từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã được gửi đi, đề nghị các bên liên quan cung cấp thông tin về việc tập trung kinh tế này.

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), hợp nhất doanh nghiệp là những mảng chính trong các hình thức tập trung kinh tế. Luật Cạnh tranh đã quy định các tiêu chí nhất định mà ở đó, các bên cần phải thông báo trước khi thực hiện tập trung kinh tế.

Với trường hợp của ITL Corp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, Sotrans đang niêm yết trên sàn HoSE hơn 98,2 triệu cổ phiếu STG với giá trị vốn hóa tương đương 1.803 tỷ đồng. Ước tính theo giá cổ phiếu đóng cửa ngày 17/8 (18.350 đồng/cổ phiếu), cơ quan này tính toán, giao dịch dự kiến có trị giá hơn 1.780 tỷ đồng.

Theo quy định, với giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng giao dịch lần này, số tiền mà ITL Corp ước tính chi ra để mua thêm hơn 54 triệu cổ phiếu STG chỉ là 990,9 tỷ đồng.

Hơn nữa, giao dịch trên được thực hiện thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán không chịu giới hạn biên độ giá cổ phiếu. Đồng thời, Gelex Logistics - bên trực tiếp bán cổ phần lại là công ty liên quan đến một nhân sự trong Hội đồng Quản trị ITL Corp (Gelex là công ty mẹ cũ của Gelex Logistics, đã thoái vốn tại đây từ 2 tháng trước). Với tác động của những yếu tố này, giá trị giao dịch thực tế có thể khác ước tính rất nhiều.

Giao dịch mua lại cổ phần STG của ITL Corp liệu có chạm ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế hay không vẫn là điều cần xem xét. Tuy nhiên, nếu được xác định có hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (không thông báo tập trung kinh tế), theo quy định tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, chế tài xử phạt khá nặng, lên tới 1 - 5% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước. Các hành vi sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp bị cấm do gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam cũng cùng khung hình phạt, số tiền chịu phạt có thể lên đến trăm tỷ đồng.

Đâu là ngưỡng tập trung kinh tế cần thông báo

Thương vụ của ITL Corp là trường hợp đầu tiên mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gửi công văn nhắc nhở kể từ khi Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ 15/5/2020.

Trước đó, chỉ trong chưa tới 3 tháng, Bộ Công thương đã nhận được gần 10 bộ hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của cả giao dịch giữa các doanh nghiệp trong nước lẫn các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam. Con số này rất đáng chú ý, bởi theo thống kê của OECD, trong suốt giai đoạn 2008 - 2016, cũng chỉ có 32 vụ việc sáp nhập được đăng ký với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trái ngược với xu hướng ngày càng sôi động của các giao dịch M&A.

Đó cũng là một trong những lý do Luật Cạnh trạnh (2018) ra đời, sau hơn 14 năm thi hành áp dụng quy định cũ chưa phản ánh đúng thực tế cạnh tranh trên thị trường.

Đối với quy định về ngưỡng tập trung kinh tế cần thông báo, Luật Cạnh trạnh (năm 2018) đã mở rộng phạm vi đối tượng, không chỉ còn dựa trên tiêu chí tổng thị phần kết hợp (trong khoảng 30 - 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp sau sáp nhập, doanh nghiệp đó vẫn là doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ).

Theo đó, một trong 4 tiêu chí xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế là thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (giảm mức sàn xuống 20% thay vì 30% như trước). Bên cạnh đó, còn có các tiêu chí xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp liên kết, gồm: tổng tài sản, tổng doanh thu trên thị trường (trên 3.000 tỷ đồng) và giá trị giao dịch, như trường hợp của ITL Corp.

Dưới góc độ tập trung kinh tế, hoạt động M&A có thể tồn tại những trường hợp khiến thị trường lâm vào độc quyền, không công bằng trong kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh hay một số tập đoàn lớn thao túng thị trường. Việc mở rộng phạm vi, đặc biệt là khắt khe hơn trong quy định ngưỡng thông báo về thị phần kết hợp giúp cơ quan quản lý có thể mở rộng hơn các thương vụ cần rà soát.

Cách đây 4 năm, Cục Quản lý cạnh tranh đã yêu cầu Công ty TNHH Metro Cash&Carry phải giải trình về quy trình và các thủ tục giao dịch TCC Holding mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân là từ yêu cầu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như công bằng trong cạnh tranh.

Trường hợp khác trong ngành bán lẻ là Central Group - một đại gia bán lẻ cũng từ Thái Lan, đã sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam với giá trị thương vụ lên tới 950 triệu euro, sau đó tiếp tục mua chuỗi siêu thị Lan Chi Mart, GO! Market, trung tâm thương mại Robins. Mới đây nhất, hồi tháng 2/2020, Central Group lại chi thêm 2.600 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp sở hữu chuỗi điện máy Nguyễn Kim từ 49% lên 81,53%. Hàng loạt thương vụ M&A “khủng” đã vẽ lại bản đồ thị phần ngành bán lẻ Việt Nam, song cơ quan quản lý cạnh tranh đã không thể vào cuộc xem xét.

Gỡ vướng cho những thương vụ khó

Việc tăng cường “tiền kiểm” các giao dịch tập trung kinh tế có thể sẽ đặt gánh nặng về thời gian, công sức chuẩn bị bộ hồ sơ lên các bên thực hiện giao dịch. Thậm chí, đã xuất hiện những quan ngại về một hình thức “giấy phép con” trước khi M&A.

Quy định cũ đưa ra khoảng thời gian 45 ngày là thời hạn trả lời thông báo tập trung kinh tế: không bị cấm, hoặc bị cấm. Nhưng với quy định tại Luật Cạnh trạnh (năm 2018), quá trình xét được chia ra nhỏ hơn và có thể kéo dài hơn, nếu vụ việc phức tạp.

Cụ thể, giai đoạn tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng như sửa đổi, bổ sung hồ sơ tối đa là 30 ngày. Giai đoạn thẩm định sơ bộ quyết định việc tập trung kinh tế được thực hiện hay phải thẩm định chính thức là 30 ngày. Ở giai đoạn thẩm định sau, thời hạn là 90 ngày, có thể gia hạn thêm 60 ngày.            

Với các thương vụ M&A khó, nằm giữa ranh giới được thực hiện và bị cấm, cơ quan quản lý bổ sung thêm một hướng khác là cho phép tập trung kinh tế, nhưng đi kèm điều kiện, có thể gồm: chia, tách, bán lại một phần vốn góp, tài sản; kiểm soát nội dung liên quan đến giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế, hay thực hiện các biện pháp khác nhằm khắc phục khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và tăng cường tác động tích cực của tập trung kinh tế.

Với những lo lắng về việc xuất hiện thêm một loại giấy phép để được thông qua giao dịch M&A, các tiêu chí trong việc thẩm định đều được nêu rõ ràng trong Luật Cạnh trạnh (năm 2018) và chi tiết hơn trong nghị định, nhất là ở giai đoạn thẩm định sơ bộ, các tiêu chí đều là yếu tố định lượng.

M&A là kênh hiệu quả giúp các doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng cũng như hoàn thiện chuỗi sản xuất, nhưng tập trung kinh tế qua M&A tạo ra vị trí thống lĩnh mang đến nguy cơ cao về độc quyền và hạn chế cạnh tranh. Vì vậy, tiền kiểm các giao dịch tập trung kinh tế là cần thiết để bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bộ Công thương khuyến nghị với trường hợp M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe động vật

Từ tháng 3/2020 đến nay, 9 bộ hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đã được gửi về Bộ Công thương, song đều được thông qua, do không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30, Luật Cạnh tranh (năm 2018).

Riêng trường hợp tập trung kinh tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe động vật giữa Công ty Elanco Animal Health Incorporated (Hoa Kỳ) và Công ty Bayer AG (Đức), Bộ Công thương đã đưa ra khuyến nghị một số biện pháp phù hợp, do doanh nghiệp sau tập trung kinh tế có vị trí thống lĩnh trên thị trường thuốc kháng vi sinh vật dùng cho heo tại Việt Nam

Elanco Animal Health Incorporated mua lại toàn bộ mảng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe động vật của Bayer AG với giá 7,6 tỷ USD. Tại Việt Nam, cả hai công ty này đều có hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe động vật, bao gồm các dòng sản phẩm như sinh phẩm, dược phẩm, tác nhân kiểm soát sinh vật gây hại và thức ăn bổ sung cho động vật.

Thời gian kể từ khi Bộ Công thương nhận được hồ sơ thông báo (20/1/2020) đến khi có quyết định cuối xấp xỉ 4 tháng (ngày 5/5/2020).
CPTPP và EVFTA thúc đẩy mua bán, sáp nhập
TS. Lê Quang Thuận, Trưởng ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính) nhận định,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư