Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao Dunkin’ Donuts chỉ chọn tỷ phú Jonathan Hạnh Nguyễn?
Anh Hoa - Thanh Tân - 30/12/2013 08:58
 
 Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và giải khát Việt Nam (VFBS) thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch mới được Dunkin xem là “đủ lực” đem thương hiệu này về Việt Nam. Thừa thắng, Dunkin’ Donuts mở tiếp cửa hàng tại TP.HCM Starbucks cố gắng lấy lòng khách hàng Việt Starbucks có “phản bội” truyền thống? “Thừa tiền mới uống cà phê Starbucks?” Lộ diện cửa hàng đầu tiên của McDonald’s tại Việt Nam Người đưa kem Baskin Robbins trở lại Việt Nam Giấc mơ McDonald's của doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng

“Coffee & more”…

Cuối tuần qua, Dunkin’ Donuts, chuỗi cà phê và bánh hàng đầu thế giới đã chính thức khai trương cửa hàng thứ hai tại 195-197 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Động thái này đã hâm nóng thị trường thức ăn nhanh, khi tuần trước, “gã khổng lồ” Madonald’s - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Dunkin’ Donuts tại Mỹ, cũng vừa công bố địa điểm chính thức mở nhà hàng.

Dunkin’ Donuts
Dunkin’s Donuts đã ra mắt cửa hàng thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam

Ông Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng Marketing Dunkin’ Donuts Vietnam cho biết, sau thành công với cửa hàng đầu tiên khai trương tại 59 - Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM hồi cuối tháng 11 vừa qua, Dunkin’s Donuts quyết định ra mắt cửa hàng thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, sau thời gian nghiên cứu khẩu vị của thực khách tại Việt Nam, Dunkin’ Donuts đã có một số điều chỉnh cơ cấu mặt hàng.

Bên cạnh những chiếc bánh donuts với công thức đặc trưng, Dunkin’ Donuts còn ra mắt các sản phẩm thân thuộc với thị trường cà phê truyền thống Việt Nam như: cà phê đá, cà phê sữa đá, đặc biệt là Suadaccino - cà phê sữa đá xay được thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam.

Dunkin’ Donuts được thành lập năm 1950 tại Quincy, Bang Massachusetts (Mỹ) với một nhà hàng chuyên phục vụ cà phê chất lượng cao và bánh donut tuyệt hảo. Đến nay, Dunkin’ Donuts đã có mặt tại 32 quốc gia, với khoảng 10.800 nhà hàng ở khắp nơi trên thế giới và nằm trong top 10 thương hiệu thức ăn nhanh được yêu thích nhất tại Mỹ. Mỗi năm, Dunkin’ Donuts bán ra hơn 1,7 tỷ cốc cà phê và được vinh dự lọt vào top 10 thương hiệu đồ ăn và thức uống được yêu thích nhất tại thị trường Mỹ.

Trong số 32 quốc gia kể trên, Dunkin’ Donuts đã có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á (trừ Brunei, Myanmar) như Philippines (800 cửa hàng), Thái Lan (250 cửa hàng), Indonesia và Malaysia (mỗi nơi hơn 100 cửa hàng). Với châu Á, Dunkin’ Donuts đã có mặt ở Hàn Quốc từ 22 năm trước và trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu ở nước này, với hơn 1.000 cửa hàng. Nhiều người khi xem những bộ phim Hàn Quốc dễ dàng nhận ra thương hiệu Dunkin’ Donuts xuất hiện khá nhiều trên phim ảnh.

Vậy vì sao đến thời điểm này, Dunkin’ Donuts mới vào Việt Nam? Phải chăng là do tác động từ Stabucks và McDonald’s?

Trả lời các câu hỏi trên, ông Nguyên Quỳnh cho biết, tại Mỹ, Dunkin’ Donuts, Starbucks và McDonald’s là 3 thương hiệu lớn nhất cạnh tranh trực tiếp với nhau trong trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đồ uống. Theo đó, McDonald’s bán bánh nhưng kèm cà phê, thì Starbucks lại bán cà phê kèm thêm bánh.

“Nhưng tại thị trường Việt Nam, chúng tôi không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, vì không thương hiệu nào có thế mạnh cả hai thứ như chúng tôi. Chiến lược của Dunkin’ Donuts Vietnam là “Coffee & more” (cà phê và nhiều hơn thế...)”, ông Nguyên Quỳnh nói.

Chọn cứ điểm ngoài trung tâm

Nếu như Starbucks và McDonald’s chọn cứ điểm sinh lời tại trung tâm thành phố để mở nhà hàng, quán cà phê, thì cả hai cửa hàng của Dunkin’ Donuts đều ở những quận kế bên, những khu vực đông dân cư.

Theo ông Quỳnh, Dunkin’ Donuts, ngay từ lúc vào Việt Nam, đã xác định là không làm cà phê cao cấp, mà gắn liền với cuộc sống của tất cả mọi người. “Chiến lược của chúng tôi là mở càng nhiều càng tốt. Do đó, nếu đi theo chiến lược của Starbucks - phân khúc hạng sang, thì sẽ khó khăn về mặt bằng và khó đi vào cuộc sống thường nhật của người Việt Nam”, ông Quỳnh nói.

Đó cũng là lý do vì sao, sau hơn 1 năm nghiên cứu, Dunkin’ Donuts đã đưa ra một mức giá phù hợp nhất có thể với người Việt Nam. Theo đó, một phần vừa cà phê và bánh sandwich chỉ có 40.000 đồng.

“Cái chúng tôi muốn là khách hàng đến cửa hàng hàng ngày, để gắn vào cuộc sống của họ, chứ không định vị là họ chỉ đến một hoặc hai lần/tuần. Mục tiêu của Dunkin’s Donuts Việt Nam trong năm 2014 là mở thêm từ 7-8 cửa hàng, trong đó không loại trừ khả năng sẽ mở cửa hàng ở Hà Nội”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo giới thiệu địa điểm mở nhà hàng vừa qua, ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam cho biết, bên cạnh việc mang đến đầy đủ các dịch vụ đặc trưng của thương hiệu McDonald’s, thương hiệu này cũng sẽ gây bất ngờ cho thực khách với một loại cà phê đặc trưng là McCafe bán kèm. “Nếu bịt mắt lại và thưởng thức, thì người sử dụng khó lòng mà phân biệt McCafe với sản phẩm của Starbucks”, ông Thịnh nói.

Liên quan đến vấn đề nhượng quyền, Dunkin rất khắt khe về chất lượng sản phẩm. Đó là lý do vì sao chỉ có Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và giải khát Việt Nam (VFBS) thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch mới “đủ lực” đem thương hiệu này về Việt Nam, sau khi chứng minh được tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

“Hơn 1 năm qua, với sự chứng kiến của các chuyên gia Dunkin’ Donuts, chúng tôi làm rất nhiều buổi thử đồ ăn. Để khi những người Việt Nam nói ‘ok’, thì chúng tôi mới yên tâm vào Việt Nam”, ông Quỳnh nói.

Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu

Động thái mở nhanh điểm bán của Dunkin’ Donuts là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đang có một cuộc chạy đua nước rút của các “ông lớn” trong ngành thức ăn nhanh đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh MacDonald’s sẽ mở của hàng đầu tiên vào tháng 2/2014, thương hiệu kem Dairy Queen của tỷ phú Warren Buffett cũng sẽ có mặt tại TP.HCM đầu năm 2014 dưới hình thức nhượng quyền.

Công ty QSR Việt Nam cho biết, đã đạt được thỏa thuận kinh doanh khai thác thương hiệu kem Dairy Queen và đang chuẩn bị việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 1/2014. Trong 5 năm tới, Công ty có kế hoạch mở chuỗi 60 cửa hàng Dairy Queen, chủ yếu tập trung tại TP HCM.

Tổng giám đốc vận hành (COO) của Dairy Queen toàn cầu, Jean Champagne cho biết, thông qua thỏa thuận nhượng quyền trên, Dairy Queen muốn mở rộng thị phần trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam sẽ trở thành thị trường thứ 22 của Dairy Queen trên toàn cầu.

Với kinh nghiệm gần 75 năm có mặt trên thị trường toàn cầu, Dairy Queen nổi tiếng với sản phẩm kem đa dạng về mùi vị được pha trộn chung với nhiều nguyên liệu bánh, kẹo hàng đầu thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ được thưởng thức dòng kem nổi tiếng có tên gọi riêng là Blizzard (kem xay với bánh hoặc kẹo). Các sản phẩm sắp tung ra tại Việt Nam có chất lượng tương đồng với sản phẩm tại các thị trường Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Canada và Mỹ. Tuy nhiên, giá cả sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với khả năng tiêu dùng của người Việt.

Dairy Queen được thành lập năm 1940 và hiện là thành viên Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú lừng danh Warren Buffetf. Dairy Queen có hơn 6.300 cửa hàng trên toàn cầu, 1.205 trong số đó là bên ngoài Mỹ và Canada. Trung Quốc và Thái Lan là hai trong 8 thị trường châu Á mà kem Dairy Queen có thị phần lớn nhất.

Ngoài ra, đang có một cuộc chạy đua nước rút của các “ông lớn” trong ngành thức ăn nhanh đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Trước đó, Công ty Quiznos (Mỹ), chuyên phục vụ thức ăn nhanh, gồm sandwich, súp và sa lát cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội nhượng quyền.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư