Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam hùng cường năm 2045: Nhiệm vụ không của riêng doanh nghiệp tư nhân
Hồng Phúc - 12/03/2021 21:39
 
Không riêng khu vực kinh tế tư nhân mà mọi loại hình doanh nghiệp, mọi tầng lớp trong xã hội đều cần phải tham gia vào khát vọng vì một Việt Nam phát triển cường thịnh năm 2045.

Tổng động viên sức mạnh tiềm ẩn trong 100 triệu dân 

Làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045 là câu hỏi được đặt ra tại “Đối thoại 2045” được tổ chức cuối tuần trước tại TP.HCM, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Và “Đối thoại 2045” sẽ trở thành Hội nghị thường niên, giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán vì một Việt Nam phát triển và hạnh phúc. 

Sự kiện lần diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp. 

“Nói cùng ngôn ngữ” giữa lãnh đạo Chính phủ và đại diện các trụ cột kinh tế Đất nước, cùng các trí thức là điểm nổi bật xuyên suốt 4 tiếng đồng hồ trong Đối thoại lần này.

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay với đại diện các doanh nghiệp trước khi Đối thoại 2045 bắt đầu (Ảnh: H.Phúc).

Trong tất cả những phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhắc đến và muốn huy động đồng bộ tất cả các tầng lớp xã hội, cho khát khao cháy bỏng vì một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. 

Không chỉ có doanh nghiệp khát khao mà đến từng người dân cũng phải có thì mới có thể tạo khát vọng Việt Nam 2045. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về việc giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. 

“Niềm tin, niềm tin và niềm tin. Đối thoại 2045 sẽ là cơ hội không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin mà còn cả bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động, yêu sáng tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận tại Hội nghị như một lời kêu gọi nỗ lực của mọi nguồn lực trong Đất nước.

Không chỉ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, mà các doanh nhân, trí thức tham dự Đối thoại 2045 cũng đều tin rằng, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần khát vọng lớn.

Khát vọng ấy không phải trên giấy, không phải chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp hay một cá nhân nào, mà phải có trong cả dân tộc.

“Thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp rất nhiều lần. Và khoảng 50% các đề nghị đã được giải quyết sau các cuộc đối thoại. Thời gian tới, thách thức sẽ còn lớn hơn. Covid-19 không chỉ đến và đi mà còn để lại những hậu quả phải khắc phục. Thế nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần cùng nhau nghĩ lớn, tập hợp, chia sẻ khát vọng tăng trưởng và cùng nhau vượt khó khăn vì một Việt Nam 2045”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chia sẻ bên lề Đối thoại 2045 khi Hội nghị vừa kết thúc.  

Nhìn lại toàn cảnh Đối thoại 2045, ông Bình nhận thấy, cả Chính phủ cũng như doanh nhân, trí thức đều dùng những từ khoá chung. 

Đó là khát vọng Việt, ý chí Việt, tăng trưởng, tháo gỡ, thay đổi cơ chế, đất đai và nguồn nhân lực. Tất cả đều nói ra và bàn đến những vấn đề giống nhau là tín hiệu đáng mừng, khi hội tụ được sự chú ý vào những hành động cụ thể cần được giải quyết. 

“Sau cuộc Đối thoại này, tôi nghĩ mỗi doanh nhân nên đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể. Tin vào chính mình, tin vào Chính phủ”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Niềm tin từ năng lực cạnh tranh

Tính vững chắc của một nền kinh tế được cấu thành từ việc bố trí một cách hợp lý các lực lượng kinh tế khác nhau tham gia cấu tạo ra tổng phổ kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, sẽ trao cơ hội cho sự phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực người dân Việt Nam, các loại hình doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các thành phần kinh tế khác như FDI, Hợp tác xã, hộ cá thể. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò rất quan trọng.

Cố chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt đánh giá, kinh tế tư nhân được đánh giá như là khu vực giúp tăng cường sức mua và giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. 

Và muốn khu vực tư nhân trở thành lực lượng kinh tế thì phải có chính sách để khu vực tư nhân tồn tại được, phát triển được và trở thành một trụ cột mới của một trạng thái phát triển kinh tế của Đất nước. Tư nhân không phải động lực chung của nền kinh tế mà tư nhân là động lực của chính nó.

Khi nhắc đến khát vọng Việt Nam năm 2045, nhiều người đã nói về việc phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tư nhân và trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng. 

.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT (Ảnh: H.Phúc).

Để trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng, cũng là động lực của chính mình, ông Trương Gia Bình kỳ vọng có được niềm tin lớn giữa Chính phủ với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ. 

Vị này mong mỏi, Chính phủ sẽ tin vào doanh nghiệp Việt Nam, tin vào doanh nghiệp tư nhân rằng, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, thách thức nào cũng chiến thắng”. 

“Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được. Chúng tôi chờ mệnh lệnh, yêu cầu của Đất nước. Ngược lại, doanh nghiệp mong, Chính phủ làm ra chính sách, không cần phải "giành" công việc với doanh nghiệp. Công việc cụ thể để doanh nghiệp làm. Chúng tôi cũng mong, Chính phủ không phải là người viết ra quy chế để kiểm soát, kiểm tra, trói buộc doanh nghiệp mà Chính phủ là bà đỡ cho mọi doanh nghiệp của Đất nước”, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất và mong Chính phủ tin doanh nghiệp tư nhân, trong đó có FPT có thể tham gia giải quyết vấn đề nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán TP.HCM chỉ trong 2 tháng.

Không chỉ Chủ tịch FPT, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air cũng mong mỏi Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp và “hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân". 

Không thể phủ nhận vị thế và vai trò của kinh tế tư nhân. Đại hội X của Đảng năm 2006 xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng. 

Đại hội XI năm 2011 đánh giá kinh tế tư nhân là một động lực và Đại hội XIII nhìn nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, là một trong 3 trụ cột của cả nền kinh tế cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và đầu tư nước ngoài.

Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách. 

Một điểm quan trọng hơn nữa mà ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI muốn nhắc đến là khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế.  Và dự báo đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.

Như vậy kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045.

Doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ tin tưởng. Vậy, chính các doanh nghiệp tư nhân phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, xứng đáng với sự tin tưởng ấy?

“Còn nhiều doanh nghiệp ăn xổi ở thì. Uy tín với nông dân không có, với khách hàng thì còn yếu. Đó là điều tới đây phải giải quyết. Chúng ta nhìn sang Philippines chẳng hạn, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng năm đều học thêm những lớp đặc biệt, nâng cao trình độ quản lý. Doanh nghiệp mình không ham học lắm và có một thứ bửu bối “xin cho” nên cứ mãi lấy ra xài”, giáo sư Võ Tòng Xuân đánh giá. 

"Món quà" đầu tiên của "Đối thoại 2045" giải quyết nghẽn lệnh cho HoSE
Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã tìm được hướng giải quyết khả thi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư