Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xây cơ chế cho hoạt động đầu tư mạo hiểm
Vốn là một trong những điều kiện tiên quyết để biến một ý tưởng kinh doanh thành doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, do tính rủi ro lớn mà các startup khó có thể tiếp cận kênh vay vốn ngân hàng. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế gọi vốn đầu tư cho startup thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm để tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp đang là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn.
Các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Israel… đều là những quốc gia khởi nghiệp với hệ sinh thái khởi nghiệp tốt
Các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Israel… đều là những quốc gia khởi nghiệp với hệ sinh thái khởi nghiệp tốt

Thực tế đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam

Trên thế giới, thị trường đầu tư mạo hiểm cho startup đã phát triển rất sôi động. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động đầu tư mạo hiểm mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Hiện số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít.

Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện chỉ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư của các ngân hàng, doanh nghiệp lớn như Vietcombank, BIDV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… có hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp, song các quỹ này hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu và cũng không đầu tư nhỏ, mà chỉ đầu tư vào những dự án tương đối quy mô.

Chẳng hạn, Công ty liên doanh Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), công ty liên doanh giữa Vietcombank và tập đoàn đầu tư đa quốc gia Franklin Templeton Investments (FTI), hiện đang quản lý hai quỹ mở là Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF. Các quỹ này đầu tư vào một danh mục đa dạng các cổ phiếu niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường lớn và trái phiếu chính phủ, do đó, hầu như không đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Trong số các quỹ nội địa, hiện tại mới có Quỹ FPT Venture là đang tích cực thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, nhưng trung bình mỗi năm, cũng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được vốn từ quỹ này. Con số này là quá ít ỏi so với nhu cầu khởi nghiệp hiện tại. Vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là phải sớm xây dựng được một cơ chế thu hút vốn cho hoạt động khởi nghiệp của các startup Việt, thông qua mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nhà đầu tư tư nhân, cũng như tổ chức có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để thành lập một quỹ đầu tư như mô hình quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán, các điều kiện thành lập khá khắt khe, các nhà đầu tư quy mô nhỏ khó có thể đáp ứng.

Chẳng hạn, đối với quỹ đại chúng, một trong số các điều kiện thành lập là yêu cầu phải có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là 50 tỷ đồng (Điểm 1, Điều 90, Luật Chứng khoán); đối với quỹ thành viên, vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng và có tối đa 30 thành viên góp vốn là pháp nhân; vốn tối thiểu để được thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán là 50 tỷ đồng (Điều 96, Luật Chứng khoán)…

Hơn nữa, xét về bản chất thì đầu tư mạo hiểm cho startup không giống với đầu tư chứng khoán. Đối tượng đầu tư trong chứng khoán thường là các công ty đã và đang hoạt động, có sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, đã có doanh thu và thậm chí đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, startup có thể là các cá nhân, nhóm người có ý tưởng sáng tạo, đang trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và hình thành mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh.

Do đó, nếu áp dụng quy định của Luật Chứng khoán cho quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp sáng tạo sẽ không phù hợp và không khuyến khích các nhà đầu tư cùng nhau góp vốn thành lập quỹ. 

Cơ chế đầu tư mạo hiểm, xây theo hướng nào?

Để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời Dự thảo Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở pháp lý cho hoạt động của SMEDF là Quyết định số 601/QĐ-TTg trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ví dụ, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về quy định cho vay ủy thác của Quỹ, sự trùng lặp trong trích lập dự phòng rủi ro khiến các ngân hàng nhận ủy thác từ Quỹ gặp vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động, làm chậm tiến độ thực hiện việc hỗ trợ…

Bên cạnh đó, quy định Quỹ chỉ được hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mô hình ủy thác cho vay khiến Quỹ bị hạn chế trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Trong khi đó, thông lệ quốc tế cho phép các tổ chức hỗ trợ tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc tế được phép hoạt động với các chức năng hỗ trợ tài chính đa dạng, kết hợp linh hoạt để việc hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất như cho vay trực tiếp, gián tiếp, bảo hiểm tín dụng, đầu tư mạo hiểm…

Mặt khác, đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro (trong phạm vi kiểm soát được) và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thì mới phát huy tác dụng đối với nhóm doanh nghiệp đặc thù này. Do đó, việc ban hành Quyết định về tổ chức và hoạt động của SMEDF thay thế Quyết định số 601/QĐ-TTg là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời đảm bảo hoạt động hỗ trợ hiệu quả hơn.

Có hơn 400 nhà đầu tư chủ động rót vốn khởi nghiệp ở Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và Singapore nằm trong danh sách các điểm đến mục tiêu. Và với 12 doanh nghiệp gần đây đã bán được cổ phần và số lượng lớn doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá cao, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore có điều kiện để phát triển hơn nữa.

Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, Dự thảo Quyết định bổ sung các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho Quỹ bao gồm: các hình thức cho vay trực tiếp, bảo lãnh tín dụng, đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, thực hiện các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, sẽ giúp Quỹ chủ động và kết hợp linh hoạt các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời huy động các nguồn lực, tiềm lực vốn trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, theo bà Hồng, do mức độ rủi ro cao nên khó cho vay theo hình thức cho vay gián tiếp qua ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với việc bố sung chức năng hỗ trợ, Quỹ sẽ có thể cho vay trực tiếp, hoặc gián tiếp dưới hình thức đầu tư mạo hiểm, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

”Quỹ có thể tập trung nguồn lực hỗ trợ nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp “vốn mồi” dưới hình thức tương tự như đầu tư mạo hiểm. Với sơ sở pháp lý chính thức, Quỹ sẽ được phép thực hiện việc gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) để huy động vốn từ số đông các cá nhân, các nhà đầu tư, thông qua tổ chức trung gian cung cấp thông tin và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ việc huy động vốn trực tuyến, cũng như nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn vốn dồi dào cho đầu tư khởi nghiệp”, bà Hồng cho biết. 

Bài học từ Singapore

Kinh nghiệm của các nước và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển, đã từng là những quốc gia khởi nghiệp như Israel, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... đều có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt. Trong đó, chính phủ không chỉ đơn thuần hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thông quá việc tạo ra hành lang pháp lý, mà còn có thể trực tiếp thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo ra “vốn mồi” cho các doanh nghiệp, theo nguyên lý các cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, khi đó các tổ chức tài chính có thêm niềm tin đầu tư vào các dự án.

Chẳng hạn, tại Singapore, đảo quốc với dân số chỉ 5,5 triệu người, nhưng nằm trong số quốc gia có thu nhập cao nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người đạt 71.310 USD/năm, cho thấy sức chi tiêu lớn của người dân nước này.

Theo đánh giá của bà Lê Việt Nga, Giám đốc điều hành Quỹ Bright Capital, Chính phủ Singapore nhận thức được tầm quan trọng của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như thúc đẩy cả nền kinh tế, nên đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cộng đồng doanh nghiệp tại Singapore đã hưởng lợi rất lớn từ việc này. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các doanh nghiệp khởi nghiệp Singapore đã thu hút được khoảng 3 tỷ USD vốn đầu tư; trong đó, phần lớn dành cho lĩnh vực thương mại điện tử (1,22 tỷ USD), tiếp đến là lĩnh vực logistics (766 triệu USD)…

Ngoài ra, Singapore được đánh giá là có môi trường kinh doanh thân thiện, thường xuyên được xếp là một trong số những quốc gia dễ dàng nhất trên thế giới để bắt đầu công việc kinh doanh. Dù có những quy định phải tuân theo, song chúng được trình bày rõ ràng và dễ dàng thực thi. Các công ty mới có thể được thành lập dễ dàng chỉ sau vài giờ, các tài sản sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ, luật pháp minh bạch. Năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hàng năm của Nhóm Ngân hàng Thế giới và nước này còn được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Á”.

Có hơn 400 nhà đầu tư chủ động rót vốn khởi nghiệp ở Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và Singapore nằm trong danh sách các điểm đến mục tiêu. Và với 12 doanh nghiệp gần đây đã bán được cổ phần và số lượng lớn doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá cao, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore có điều kiện để phát triển hơn nữa.

Bà Nga cho biết thêm, cách đây nhiều năm, Chính phủ Singapore đã mạnh dạn các mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm có sự tham gia trực tiếp của nhà nước. Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF) đã liên kết với 4 doanh nghiệp lớn của nước này để cùng đầu tư theo tỷ lệ 1:1. Ngoài ra, để khuyến khích đầu tư vào các startup, NRF sẽ cho phép các doanh nghiệp này mua lại cổ phần của Quỹ trong thời hạn 5 năm, bằng cách hoàn lại vốn và lãi cho NRF, bên cạnh việc vẫn dành một khoản ngân sách để tài trợ cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp.

Nói cách khác, NRF cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để đầu tư vào các startup và các doanh nghiệp góp vốn chỉ phải trả lãi trong trường hợp các startup đó thành công. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải góp vốn theo tỷ lệ 1:1, nên họ có trách nhiệm trong việc lựa chọn các startup để đầu tư.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2008 - 2015, NRF đã đầu tư vào 144 startup, với số tiền 41,3 triệu đô-la Singapore. Trong đó, 58 start-up đã tiếp tục kêu gọi thêm được 315 triệu đô-la Singapore. Chỉ có 25 start-up thất bại, tương ứng tỷ lệ 17%, một tỷ lệ rất hợp lý trong đầu tư mạo hiểm.

Việt Nam mong muốn thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào khởi nghiệp
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Canada chiều 15/6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư