Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Châu Âu gặp khủng hoảng năng lượng, an ninh năng lượng châu Á ra sao?
Đông Phong - 23/10/2022 09:07
 
Trong khi châu Âu đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt năng lượng, nguồn cung điện của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được đảm bảo, chủ yếu nhờ dùng điện than.
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc giảm mạnh tới 59%. Ảnh: AFP
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc giảm mạnh tới 59%. Ảnh: AFP

Do nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã chuyển hướng sang châu Âu, các nhà máy điện ở châu Á không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn khí LNG mà còn từ chối nhập khẩu LNG.

Châu Âu đang vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt do Nga cắt giảm nguồn cung, khiến nhiều quốc gia rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng ngay trước mùa đông. Tập đoàn Lưới điện Anh quốc (National Grid) đã cảnh báo về nguy cơ cắt điện.

Trong tuần này, EU đã nhất trí lộ trình kiểm soát giá năng lượng trong bối cảnh một loạt biện pháp mới được đưa ra để giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng quá cao. Trước đó, Nga tuyên bố sẽ ngừng cung cấp tất cả nhiên liệu cho EU nếu khối này áp đặt các mức trần giá năng lượng, bởi động thái này sẽ kéo giảm doanh thu và giá hàng hóa của Nga.

Giám đốc chiến lược năng lượng của S&P Global, ông Atul Aryal, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và chiến sự ở Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu như dầu và khí đốt trên toàn cầu tăng lên, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng của châu Á.

"Ở châu Á, thay vì sử dụng khí đốt, các quốc gia đang sử dụng than bởi họ có sẵn nguồn than nội địa và đỡ tốn kém hơn", ông Arya bình luận trên đài CNBC.

Không giống như châu Âu - khu vực phụ thuộc vào khí đốt để sản xuất năng lượng, châu Á ít chịu tác động hơn trước các biến động của thị trường khí đốt. Khí đốt chỉ chiếm 11% tổng lượng điện của châu Á còn riêng LNG nhập khẩu chiếm một phần nhỏ bởi phần lớn khí đốt được sản xuất nội địa, theo ông Alex Whitworth, Trưởng bộ phận nghiên cứu điện năng và năng lượng tái tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie.

Than đá vấn chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng điện châu Á - Thái Bình Dương, lên tới hơn 60%, nhưng tỷ trọng này đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu LNG của khu vực lại có chiều hướng giảm do giá cao.

Theo báo cáo khí đốt mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, kim ngạch nhập khẩu LNG giao ngay hoặc ngắn hạn của châu Á đã giảm 28% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng kể, nhập khẩu LNG từ Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất toàn cầu - giảm mạnh tới 59%. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Nhật Bản, Pakistan và Ấn Độ cũng đã giảm nhập khẩu LNG lần lượt 17%, 73% và 22%. 

Theo lý giải của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá LNG tăng cao không chỉ cản trở các nhà nhập khẩu của Trung Quốc mà còn là do nền kinh tế này đang chững lại và mùa đông năm nay được dự báo không quá khắc nghiệt, trong khi đó hoạt động sản xuất khí đốt và than đá trong nước vẫn được đẩy mạnh.

Những yếu tố trên đã tạo cơ hội cho châu Á sử dụng than nhiều hơn cho sản xuất năng lượng. Đơn cử, Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã bắt đầu sử dụng nhiều than hơn trong những tháng gần đây, theo Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA). Dữ liệu của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính cho thấy KEPCO đã tăng sử dụng khoảng 26% lượng than trong tháng 7/2022 so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn so với khối lượng được sử dụng vào năm ngoái.

"Dữ liệu của KEPCO cũng cho thấy rằng sản xuất điện bằng than và LNG đều giảm kể từ tháng 5 do giá nhiên liệu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc sử dụng than để sản xuất đã tăng rõ rệt hàng tháng", Ghee Peh, chuyên gia phân tích tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính cho biết.

Giá nhiên liệu tăng cao khiến Hàn Quốc cũng như Nhật Bản buộc phải sử dụng nhiều khí đốt hơn các thị trường khác của châu Á - nên ở một mức độ nào đó, đã phải cạnh tranh về nguồn khí đốt trong bối cảnh nhu cầu của châu Âu tăng cao. Tuy vậy, do nguồn cung trong nước có sẵn nên các nước này vẫn có thể đảm bảo năng lượng tốt hơn so với châu Âu, theo ông Alex Whitworth, Trưởng bộ phận nghiên cứu điện năng và năng lượng tái tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie.

Nói cách khác, hoạt động sản xuất điện năng của châu Á vẫn chủ yếu dựa vào than đá và ít phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu, nên an ninh năng lượng của châu Á hiện vẫn được đảm bảo.

Ông Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của ING Economics, cho rằng: "Người ta mong mỏi rằng giá nhiên liệu hóa thạch tăng lên sẽ thúc đẩy quá trình 'xanh' của các chính phủ khắp châu Á, đặc biệt là khi một số nền kinh tế ở khu vực là những nước nhập khẩu năng lượng ròng lớn”, ông Patterson nói.

"Tuy nhiên, rõ ràng việc triển khai năng lượng tái tạo cần có thời gian và sẽ không làm giảm bớt những lo ngại về an ninh trong ngắn hạn", đại diện ING Economics lưu ý.

Năng lượng tái tạo có thể giúp đáp ứng đủ nhu cầu điện của thế giới
Sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch đã không tăng thêm 4% nhờ các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng đủ nhu cầu điện gia tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư