Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh trăn trở khi PVN chưa có cơ chế tài chính mới
Thanh Hương - 07/01/2020 13:56
 
Về đích trước kế hoạch đặt ra cho năm 2019 từ 2 đến 60 ngày tất cả các chỉ tiêu, nhưng chính lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng rất trăn trở khi Cơ chế tài chính mới cho các hoạt động của mình vẫn chưa có sau 4 năm được dự thảo.

Trong năm 2019, PVN đã đạt tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 736.200 tỷ đồng, vượt 123.900 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 108.000 tỷ đồng, vượt 20.500 tỷ đồng so với kế hoạch và tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43.800 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch.

Đáng nói là bối cảnh của năm 2019 có nhiều khó khăn thách thức với tình hình quốc tế không thuận lợi như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, bất đồng giữa các nước lớn về chính sách thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ… đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế đất nước, trong đó có PVN.

Chính sách trừng phạt kinh tế của các nước EU và Mỹ đối với Nga chưa được tháo gỡ, cũng gây khó khăn cho Tập đoàn trong việc vay vốn từ các tổ chức ECAs của Nga, Mỹ và trong việc thực hiện các dự án lớn. Ngoài ra, tình hình biển Đông tiếp tục có những diễn biến hết sức khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn.

Ở trong nước, hệ thống pháp luật còn chống chéo, thường xuyên thay đổi, thiếu tính ổn định; cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ, chưa phù hợp với thực tế phát triển của ngành dầu khí, của Tập đoàn.

Hoạt động của lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trữ lượng, tiềm năng dầu khí không nhiều như mong đợi; điều kiện triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước phải thực hiện ở vùng sâu và xa bờ trên biển Đông; sản lượng dầu khí ở các mỏ chủ lực đang trong giai đoạn suy giảm.

Đặc biệt do Quy chế tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn chưa được phê duyệt. Tập đoàn tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quá khứ, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực để phát triển bền vững. Tâm lý của một bộ phận cán bộ người lao động trong Tập đoàn còn chưa ổn định, tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc vẫn còn tồn tại.

Rất mong “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục giúp đỡ ngành dầu khí tự tin, có điều kiện cần và đủ để làm tốt nhiệm vụ của mình”,  ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN cũng cho rằng, không thể yên tâm và không làm tốt hơn được nữa khi mà 4 năm nay Cơ chế quản lý tài chính mới cho PVN vẫn chưa được ban hành.

“Đây là nghị định của Chính phủ mà đã 4 năm vẫn chưa có thì làm sao chúng tôi có thể yên tâm công tác được trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặc biệt là vấn đề nhận thức trong tư tưởng”, ông Thanh nói và cho biết thêm, “anh em các cấp phải áp dụng, vận dụng hàng ngày nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong tương lai vì sự ổn định và phát triển của dầu khí”.

Trên thực tế, Dự thảo Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Bộ Tài chính đưa ra từ đầu năm 2016, nhằm thay thế cho các quy định tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP, nhằm phù hợp với nhiều quy định mới của luật pháp liên quan đến lĩnh vực đặc thù như ngành dầu khí, đơn cử như các quy định của Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí không còn phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách ban hành năm 2015.

Vào tháng 1/2018, Nghị định 07/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã được ban hành, khiến cho Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Nghị định 06/2015/NĐ-CP không còn căn cứ pháp lý để vận dụng.

Cũng do Quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN chưa được thông qua nên việc tìm kiếm, thăm dò gặp khó khăn về vốn.

Mặc dù năm 2019, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác đạt 13,38 triệu tấn, tiếp tục theo hướng nhích lên nhưng theo đánh giá của các chuyên gia dầu khí đây vẫn là năm thứ 4 liên tiếp, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí gặp nhiều khó khănm sau khi đã xuống thấp nhất vào năm 2017.

Nếu so với mục tiêu chiến lược phát triển mà ngành Dầu khí đề ra ở trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì thực tế gia tăng trữ lượng đạt thấp hơn nhiều.

Cũng có một thực tế là sản lượng các mỏ suy giảm tốc độ nhanh so với dự kiến, các dự báo trước đây chưa lường hết phức tạp địa chất nên sản lượng thực tế không được như dự tính. Các mỏ được đưa vào khai thác từ năm 2011 đều có quy mô nhỏ, phải dùng nhiều biện pháp gia tăng sản lượng với chi phí cao.

Trong năm 2019, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt 30.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2019-2025 đã được trình các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được phê duyệt, trong khi đây lại là một cơ sở quan trọng khác làm để triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.

Hệ số bảo toàn vốn đến thời điểm 31/12/2019 đạt 1,02 lần cho thấy Công ty mẹ - Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn. Hệ số khả năng thanh toán nhanh dự kiến tại thời điểm 31/12/2019 là 2,9 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát dự kiến tại thời điểm 31/12/2019 là 4,0 lần cho thấy Công ty mẹ - Tập đoàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

 
PVN lợi nhuận cao, tín nhiệm tốt
Dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn đang là doanh nghiệp mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư