Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Hậu duệ Vinashin chấp chới
Anh Minh - 13/01/2022 09:33
 
Năng lực hiện tại của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) là chưa đủ để tiếp cận các đơn hàng đóng mới tàu lớn, dù thị trường đóng tàu thế giới đang tăng trưởng vượt bậc.

Vỡ các chỉ tiêu kinh doanh

Bất chấp tình hình sản xuất, kinh doanh đã có nhiều chuyển biến so với năm 2020, nhưng đà phục hồi của SBIC - hậu duệ trực tiếp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa thực sự rõ nét, dù thị trường vận tải biển và đóng tàu thế giới đã có bước bứt phá rất ngoạn mục trong năm 2021.

Trong báo cáo mới nhất vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, SBIC cho biết, trong năm 2021, toàn Tổng công ty với hơn 8.300 lao động chỉ bàn giao được 68 sản phẩm, hụt 12 sản phẩm so với kế hoạch đề ra; đạt doanh thu 2.364 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch.

Điều này dẫn tới lợi nhuận toàn Tổng công ty chỉ đạt 102 tỷ đồng, không đủ bù đắp các khoản chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá). Tính tổng cộng, năm 2021, SBIC vẫn lỗ tới 3.779 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng, SBIC không nói rõ số lỗ lũy kế của đơn vị thừa kế pháp nhân Vinashin hiện là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là rất lớn, bởi trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp này đều phải ghi nhận khoản lỗ hàng năm từ 3.500 đến 5.000 tỷ đồng.

Ông Cao Thành Đồng, Tổng giám đốc SBIC cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị đóng tàu, nhất là khu vực phía Nam như thiếu hụt lao động, phát sinh các chi phí mới liên quan đến phòng chống dịch, bố trí lao động “3 tại chỗ”...

“Trong năm 2021, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thép đóng tàu tăng gần 50%, đã làm tăng chi phí sản xuất. Một số nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động một thời gian để chống dịch. Nhu cầu đóng mới tàu và hoạt động sửa chữa tàu giảm mạnh”, Tổng giám đốc SBIC nhấn mạnh.

Với năng suất lao động bình quân chỉ đạt khoảng 284 triệu đồng/năm, nên không có gì khó hiểu khi đời sống của người lao động SBIC thuộc nhóm khó khăn bậc nhất trong ngành giao thông vận tải.

SBIC cho biết, bình quân thu nhập năm 2021 toàn Tổng công ty ước đạt 7,9 triệu đồng/người/tháng, trong đó, Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại trong mô hình Tổng công ty đạt 8,73 triệu đồng/người/tháng, các đơn vị đang thực hiện tái cơ cấu ước đạt  7,05 triệu đồng/ người/tháng. Đây là con số được đánh giá là chưa tiệm cận với khó khăn thực tế, khi đời sống của những người thợ đóng tàu tại Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn rất long đong.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2021, các đơn vị trong SBIC còn nợ lương người lao động lên tới 94,69 tỷ đồng tại 53 đơn vị; nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 554,1 tỷ đồng của 67 đơn vị.

Đăc biệt, SBIC đang nợ trợ cấp thôi việc, mất việc làm của 932 người tại 26 đơn vị với tổng số tiền lên tới 6,02 tỷ đồng.

Thiếu nhất quán trong đánh giá

Đang có sự thiếu nhất quán trong lãnh đạo SBIC về tình hình thị trường đóng tàu biển thế giới, nơi có thể mang lại các đơn hàng lớn, đủ sức xoay chuyển tình hình công ăn việc làm của doanh nghiệp này.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 của SBIC, tổ chức vào chiều ngày 7/1/2021, ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV SBIC thông tin, Covid-19 bùng phát kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị đóng tàu. Thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do bất ổn của nền kinh tế thế giới; giá cước vận tải biển dù có tăng, nhưng nhu cầu về đóng hàng mới chưa nhiều.

“Các bạn hàng truyền thống của SBIC thời gian qua gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên dừng thực hiện một số hợp đồng đã ký. Một số đối tác nước ngoài cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên nhu cầu đóng mới tàu chưa nhiều”, Chủ tịch HĐTV của SBIC chia sẻ.

Thông tin này là ngược hoàn toàn so với thông tin được đề cập trong Văn bản 1528/CNT - SXKD mà chính SBIC gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 12/2021.

Cụ thể, tại văn bản này, SBIC nhận định: “Thị trường ngành đóng tàu thế giới đang tăng trưởng vượt bậc với các phân khúc tàu chở container, tàu LNG cỡ lớn. Tuy nhiên, do năng lực và vị thế của SBIC chưa đủ hội tụ điều kiện để tiếp cận và hấp thu xu thế đầu tư đóng mới tàu từ thị trường quốc tế”.

Trên thực tế, không chỉ tiếp tục đứng ngoài sân chơi thị trường đóng tàu quốc tế, ngay tại thị trường trong nước, SBIC cũng gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các đơn vị đóng tàu của tư nhân và quân đội.

Tại khu vực phía Bắc, ngoài những đơn vị đang triển khai các hợp đồng cho chủ tàu nước ngoài, với các sản phẩm lớn như Hạ Long, Sông Cấm, Phà Rừng…, thì các hợp đồng đóng tàu nhỏ lẻ khác đều bị cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp đóng tàu quân đội, các nhà máy tư nhân vốn luôn sẵn sàng hạ giá thấp để có được hợp đồng.

Tại khu vực phía Nam, ngoài việc bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi Covid-19, các đơn vị thành viên SBIC đang phải đối diện với tình trạng cạnh tranh khốc liệt do thiếu việc làm diện rộng ngay trong nội bộ. Bên cạnh đó, các nhà máy tư nhân cũng sẵn sàng cạnh tranh theo hướng hạ giá, bằng các chính sách tiếp xúc thị trường, quan hệ khách hàng tốt, gây khó khăn cho các nhà máy của SBIC. Trong khi đó, các đơn vị khu vực miền Trung cũng bị cạnh tranh bởi các đơn vị tư nhân, nên thời gian gần đây không ký được hợp đồng đóng tàu mới. Hiện tại, các đơn vị này đều bị thiếu đơn hàng đóng mới, chỉ tập trung vào công tác sửa chữa tàu để có dòng tiền duy trì hoạt động và chờ đợi cơ hội.

Cần phải nói thêm rằng, lĩnh vực phá dỡ tàu cũ vốn được kỳ vọng mang lại doanh thu và việc làm lớn cho SBIC cũng không đem lại kết quả như kỳ vọng.

Tính đến thời điểm này, Công ty Đóng tàu Phà Rừng đang thực hiện thí điểm phá dỡ chiếc thứ 2, nhưng hiệu quả kinh tế không cao do những yêu cầu khắt khe của nhà chức trách liên quan đến bảo vệ môi trường. SBIC và Phà Rừng đang tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến cho lĩnh vực này nhưng vẫn chưa có kết quả đáng kể.

Ông Vũ Anh Tuấn cho biết, năm 2022, hoạt động của SBIC và các đơn vị thành viên chắc chắn còn nhiều khó khăn, khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, vừa phải duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo quản giữ gìn tài sản, vừa phải dần tích lũy để trả nợ.

SBIC cho biết, đến cuối năm 2021, Tổng công ty mới ký được hợp đồng đóng mới sản phẩm với giá trị khoảng 1.392 tỷ đồng. Các hợp đồng đang thực hiện việc xúc tiến thương mại là 141 sản phẩm với giá trị khoảng 962,579 tỷ đồng.

“Tình hình việc làm, công tác sản xuất nhiều đơn vị tiếp tục gặp khó khăn, thiếu việc làm ở hầu hết các ngành nghề, chưa kể khả năng Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên kết quả kinh doanh dự kiến ghi nhận không cao”, lãnh đạo SBIC nhận định.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo SBIC cần thông tin, quán triệt đến cán bộ, người lao động về tình hình hoạt động của Tổng công ty và định hướng chủ trương tái cơ cấu để tạo được sự đồng lòng, đoàn kết, nhất trí khi triển khai.

“Lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và người lao động SBIC cần tiếp tục có giải pháp sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 cũng như sau khi tái cơ cấu thành công để phát triển bền vững ngành công nghiệp đóng tàu”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo.

Ngành đóng tàu biển thế giới đang tăng tốc

Theo nhà trung gian môi giới đường biển của Italia, Banchero Costa, đơn đặt mua tàu container đang bùng nổ. Theo số liệu của công ty, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2021, đã có ít nhất 276 đơn đặt hàng mua tàu biển mới, giúp tăng hơn 10% khả năng của đội tàu container lớn này. Tuy nhiên, sẽ phải mất ít nhất 2 năm để đóng được một con tàu mới, vì vậy, thị trường vẫn “nóng” trong ngắn hạn. Banchero Costa hy vọng tăng trưởng công suất vận tải biển có thể đạt mức khiêm tốn là 3% trong năm 2021 và 2022.

Hiện ngành vận tải biển đã sẵn sàng chi tiền để mua nhiều tàu mới sau một thập kỷ nguồn cung èo uột. Công ty vận tải biển lớn nhất thế giới AP Moller-Maersk của Đan Mạch đã ghi nhận lợi nhuận đạt 3,71 tỷ USD trong quý II/2021, tăng 30% so với cả năm 2020. Trong khi đó, CMA-CGM ghi nhận lợi nhuận ròng quý II khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc điều hành CMA-CGM, ông Rodolphe Saade cho biết, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đã dẫn tới nhu cầu tăng chưa từng thấy về các dịch vụ vận tải và logistics. CMA-CGM đã đặt mua 22 tàu container mới, dự kiến vận hành vào năm 2023 và 2024. Công ty sẽ nhận 14 tàu mới trong năm nay. Ngoài ra, Công ty cũng đặt mua tàu đã qua sử dụng và sẽ nhận tổng cộng 32 tàu như vậy trong năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư