Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng ngân hàng đổ vào địa ốc
Vân Linh - 17/02/2017 14:43
 
Trong năm 2017, nhiều nhà băng đặt ra chiến lược tiếp tục đẩy mạnh vốn vào thị trường nhà đất, trong đó tập trung cho phân khúc khách hàng cá nhân mua nhà, căn hộ để ở. Bởi vậy, nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi được các ngân hàng tung ra ngay từ đầu năm, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà vừa kết thúc.
Nhiều khả năng lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng nhẹ trong năm 2017
Nhiều khả năng lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng nhẹ trong năm 2017

Vốn vào phân khúc nhà ở

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2016, tín dụng bất động sản ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Các nhà băng kỳ vọng, dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực trong năm nay.

Vì vậy, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tăng huy động để đảm bảo thanh khoản ở mức tốt nhất, đồng thời có nguồn vốn dồi dào hỗ trợ cho vay. Trong đó, phân khúc được hầu hết ngân hàng nhắm đến chính là cho vay phân tán nhỏ lẻ, tập trung nhiều nhất vào cho vay mua nhà.

Để cạnh tranh giành thị phần, lãi suất cho vay được các nhà băng đưa ra ở mức hấp dẫn. Chẳng hạn, mức lãi suất vay chỉ từ 5,99%/năm được OCB áp dụng cho nhiều mục đích vay vốn, như vay trả góp mua ô tô, mua bất động sản, sửa chữa nhà, sản xuất kinh doanh… Tổng gói tín dụng này của OCB lên đến 3.000 tỷ đồng và áp dụng đến hết ngày 30/4/2017.

Tại dự án Mon Bay do HDBank tài trợ vốn, Ngân hàng đưa ra lãi suất chỉ từ 0% đến 7,5%/năm cố định 6 tháng đầu, kỳ hạn vay 30 năm và hạn mức vay lên đến 70% giá trị căn hộ. Không riêng dự án này, HDBank đang đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản để phát triển các dự án lớn như: SaigonRes, Park View, HDMon City, Sunshine Garden,  Star AD1...

Còn tại ACB, đáp ứng nhu cầu mua nhà mới trong năm mới, các hồ sơ vay vốn mua nhà được giải ngân trong thời gian này sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm. Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, tổng hạn mức dành cho chương trình ưu đãi tín dụng này lên đến 6.000 tỷ đồng.

Không chỉ ưu đãi lãi suất, việc thời gian cho vay mua nhà được kéo dài hơn, từ 10 - 20 năm, thậm chí 30 năm, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng bất động sản gia tăng. Chẳng hạn, trong tháng 2/2017, VIB tiếp tục áp dụng lãi suất vay ưu đãi từ 7,6%/năm cho các khoản vay mới để mua, xây dựng, sửa chữa nhà kỳ hạn dài.

Nhu cầu luôn tăng

Theo khảo sát vừa được công bố của HSBC, khoảng 38% những người trẻ đã mua nhà ở châu Á cho biết, họ phải nhờ đến “ngân hàng cha mẹ” để có đủ tiền mua nhà của mình. Điều này cho thấy, nhu cầu về nhà ở của khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, luôn hiện hữu, song năng lực tài chính còn hạn chế nên cần đến sự hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, cầu về tín dụng mua nhà của khách hàng cá nhân tăng theo từng năm. Hiện tại, người mua nhà có nhiều yếu tố hỗ trợ tốt hơn để hoàn thành “ước mơ” sở hữu ngôi nhà của riêng mình, trong đó có việc mặt bằng lãi suất và giá căn hộ chung cư hợp lý hơn 4 năm trước.

Bên cạnh đó, rất nhiều ngân hàng đang vừa tài trợ cho chủ đầu tư, vừa ràng buộc điều kiện độc quyền đối với cho khách hàng mua nhà vay, đồng thời cam kết bảo lãnh cho người mua trong trường hợp chủ đầu tư không đúng tiến độ. Như vậy, với sự tham gia ngay từ đầu của các ngân hàng, không chỉ người mua nhà mà cả chủ đầu tư cũng có điều kiện tích cực hơn.

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam gợi ý, để người trẻ có thể đạt được giấc mơ mua nhà, họ cần xác định bốn bước lập kế hoạch tài chính.

Thứ nhất, lên kế hoạch từ sớm và đừng xem nhẹ khoản thanh toán đầu tiên.

Thứ hai, lập ngân sách cao hơn giá ngôi nhà cần mua.

Thứ ba, cân nhắc xem có thể hy sinh những gì cho giấc mơ mua nhà của mình.

Thứ tư, có cái nhìn bao quát về tình trạng tài chính của bản thân.

Cần nghĩ rằng, vay mua nhà là một phần của kế hoạch tài chính dài hạn, không phải là giao dịch một lần. Mỗi khoản vay mua nhà khác nhau sẽ phù hợp với tình hình và nhu cầu tài chính khác nhau. Vì vậy, người trẻ nên tìm lời khuyên từ chuyên gia tài chính để chắc rằng mình đang có sự lựa chọn đúng đắn.

Kiểm soát chặt tín dụng phòng ngừa rủi ro

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2017, cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng trung, dài hạn; tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn; tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

Cùng với đó, về công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Với chủ trương này, nhiều khả năng nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một chuyên gia lĩnh vực tài chính, đối với các tổ chức tín dụng, nếu làm đúng quy trình liên quan đến định giá và thẩm định thì tín dụng bất động sản là loại hình tín dụng khá an toàn, vì có tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà băng cho biết, tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ luôn được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tỷ lệ cho vay bất động sản của toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của ngành.

“Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cũng như mỗi nhà băng sẽ tiếp tục có sự kiểm soát về tỷ lệ cho vay bất động sản để phòng ngừa rủi ro, song vốn vào lĩnh vực này sẽ không bị siết quá chặt. Dù vậy, mức lãi suất sẽ có xu hướng tăng nhẹ, do các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn, tái cơ cấu lại nguồn vốn cho vay theo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 50% vào đầu năm 2017 và giảm còn 40% đầu năm 2018”, đại diện một ngân hàng nói và cho rằng, nhiều khả năng lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng nhẹ.      

Cảnh báo tín dụng rơi vào vết xe đổ
Năm nay, ngân hàng dồn dập thông báo lãi khủng, một phần nhờ việc giảm bớt phụ thuộc tín dụng vào khối doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, một bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư