Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023
Thế Hải - 29/08/2022 09:36
 
Lạm phát tăng cao tại các thị trường Mỹ, EU, Anh.., Vinatex đánh giá, xuất khẩu dệt may mặc có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023, đến 2024 quay lại đà tăng trưởng.
Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex dự báo, Thị trường may có thể khó khăn từ quý 4/2022 đến hết năm 2023.
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex dự báo, thị trường xuất khẩu với hàng dệt may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023.

Sau 7 tháng tăng trưởng mạnh, đạt gần 27 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may đang đối mặt với dấu hiệu sụt giảm mạnh đơn hàng do các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Vương quốc Anh..., lạm phát tăng cao.

Thông tin tại Hội thảo chuyên đề: “Cập nhật tình hình kinh tế, thị trường dệt may và giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức” do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ khiến tăng trưởng giảm xuống 2,3% trong năm nay và 1% trong năm tới.

Ngoài ra, việc tiếp tục đóng cửa do chính sách Zero Covid của Trung Quốc và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đã đẩy tăng trưởng xuống 3,3% trong năm nay, mức chậm nhất trong hơn bốn thập kỷ, không kể đại dịch. Khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 2,6% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023, phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc chiến Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Sau 3 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD/tháng, dấu hiệu giảm tốc đã lộ diện. Theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex, do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng tồn kho của các hãng ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.

“Thị trường may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023, tuy nhiên từ năm 2024 thị trường có thể quay lại đà tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp trong ngành cần đánh giá tổng thể thị trường, để có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp”, ông Vương Đức Anh lưu ý.

Dự kiến, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may trong quý IV/2022 còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp được khuyến cáo cần có sự chủ động để tránh tình trạng đứt thanh khoản, tăng hỗ trợ giữa các đơn vị sản xuất sợi, vải và may, tăng cường tiếp cận các đơn hàng FOB để gia tăng giá trị.

“Nhiệm vụ bảo toàn kết quả đạt được của những tháng đầu năm đang hết sức khó khăn. Vinatex sẽ cố gắng cập nhật thị trường sớm hơn để các đơn vị có cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2023”,  Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect cho rằng, triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Hiện 85% doanh thu xuất khẩu của ngành dệt may đến từ xuất khẩu; trong đó, Mỹ và EU chiếm 61%.

Xuất khẩu dệt may kỳ vọng đạt 45,7 tỷ USD trong năm 2022
Trên cơ sở kết quả khả quan đạt được từ đầu năm, cùng diễn biến tích cực của thị trường, ở kịch bản tăng trưởng cao, xuất khẩu dệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư