Đầu tư phát triển địa ốc ven đô: Xu hướng tất yếu trong phát triển không gian kinh tế
Tăng Triển - 31/03/2019 20:42
 
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay, thị trường địa ốc phía Nam chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư đổ vốn vào bất động sản vùng phụ cận TP.HCM. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, đây là xu hướng tất yếu trong phát triển không gian kinh tế.
.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Khá nhiều doanh nghiệp địa ốc gần đây đổ bộ phát triển dự án tại các địa phương phụ cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến làn sóng đầu tư này?

Đây là xu hướng mang tính tất yếu về không gian phát triển kinh tế. Câu chuyện của bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… hiện nay cũng giống như kịch bản của các quận, huyện vùng ven TP.HCM hơn chục năm về trước.

Trước đây, nói đến bất động sản TP.HCM là nói các quận trung tâm như quận 1, quận 3…, còn các khu vực như quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, quận 12… bị xếp vào dạng “vùng sâu, vùng xa” ít được để ý. Song, đến thời điểm hiện nay, khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhà ở không ngừng tăng cao, thì những khu vực này giờ đây đã là trung tâm mới của Thành phố, giá đất đắt đỏ không thua các quận nội thành.

Bất động sản vùng phụ cận của TP.HCM cũng như vậy, trong tương lai, những khu vực có bán kính cách TP.HCM khoảng 200 km trở lại đều có nhiều cơ hội để phát triển.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng và chính sách phát triển hạ tầng liên kết vùng phía Nam hiện nay?

Trong chiến lược của TP.HCM sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, trong đó, các khu vực giáp ranh TP.HCM như  Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vùng Tàu… sẽ là các khu đô thị vệ tinh.

Không phải đến lúc này, mà câu chuyện  phát triển đô thị vệ tinh của TP.HCM đã được các nhà quản lý tính toán từ trước. Thời gian qua, nhiều hệ thống giao thông hạ tầng kết nối liên vùng đã được đầu tư.

Hiện nay, mạng lưới giao thông liên kết vùng đã được phát triển khá đồng bộ, như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, các trục đường vành đai 1, 2,3… đã và đang được đầu tư xây dựng, về cơ bản đã kết nối xuyên suốt các tỉnh với nhau. Trong tương lai, các công trình hạ tầng như cao tốc TP.HCM - Phan Thiết, tuyến đường sắt kết nối từ ga Suối Tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương)… được xây dựng hoàn chỉnh sẽ trở thành bệ phóng cho kinh tế vùng nói chung và thị trường bất động sản các vùng phụ cận nói riêng.

Theo ông, việc phát triển mạng lưới giao thông liên vùng có ý nghĩa thế nào trong câu chuyện giãn dân đô thị của TP.HCM?

Là một siêu đô thị, đến thời điểm hiện tại, dân số cơ học tại TP.HCM đã tăng lên mức 13 triệu người. Đây là yếu tố tiềm năng cho thị trường bất động sản phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị và đáp ứng chỗ ở cho người dân.

Trong đó, thách thức lớn nhất chính là nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp. Cụ thể, theo thống kê, mỗi năm TP.HCM có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới và có một bộ phận không nhỏ trong số gần 20.000 hộ gia đình là cán bộ, công chức, khoảng 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố có nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, Thành phố còn khoảng 300.000 hộ gia đình nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội và 143.000 hộ gia đình thu nhập thấp.

Khi TP.HCM ngày càng trở nên quá tải, giá nhà đất bị đội lên cao, thì việc giãn dân từ trung tâm ra các vùng ven và các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu. Không chỉ những người làm việc ở TP.HCM tìm đến Đồng Nai, Bình Dương để an cư, mà gần đây, nhiều người đã quyết định chọn những khu vực này làm nơi lập nghiệp, nhất là đối với sinh viên mới ra trường. Vì vậy, bất động sản ở khu vực này vẫn luôn được quan tâm.

Cơ hội đã rõ, song trước thực tế có khá nhiều nhà đầu tư ồ ạt đổ về các tỉnh và có dấu hiệu đầu tư theo phong trào. Theo ông, liệu có rủi ro trong kiểu đầu tư này?

Điểm yếu của thị trường bất bất động sản Việt Nam là đầu tư theo phong trào. Kiểu đầu tư này mang lại cơ hội cho các nhà đầu cơ “ăn xổi”, nhưng tạo ra rủi ro cho người mua không nắm rõ thông tin.

Như tôi đã nói, cơ hội của bất động sản vùng phụ cận là không thể phủ nhận, song cơ hội này phải được đầu tư bài bản, phải nghiên cứu, khảo sát nhu cầu từng địa phương, đầu tư theo quy hoạch, pháp lý rõ ràng, để từ đó hình thành nên những khu dân cư đáp ứng nhu cầu sử dụng thật. Còn kiểu đầu tư như một số doanh nghiệp cứ gom đất nông nghiệp rồi tự phân lô, lôi kéo người dân thiếu thông tin, hiểu biết, diễn ra ào ạt gần đây ở một số địa phương thì không những mang lại rủi ro cho khách hàng, mà còn phá vỡ quy hoạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản