Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chiến lược đối ứng cho doanh nghiệp để giải quyết tình trạng thiếu người sau đại dịch
Như Loan - 01/11/2021 15:53
 
Sau đại dịch, “vòng lặp” mất người – tìm người trở thành gánh nặng với doanh nghiệp. Để có thể giữ chân đội ngũ hiện có và bổ sung “viện binh” kịp thời, doanh nghiệp cần chiến lược phù hợp.

Khủng hoảng vận hành vì “vòng lặp” nghỉ việc – tuyển dụng

Bước vào giai đoạn bình thường mới hậu COVID-19, doanh nghiệp đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng” nhân sự bởi xu hướng nghỉ việc trên toàn cầu. 

Trong báo cáo quản lý con người năm 2021 của Tạp chí Inc, tình trạng kiệt sức là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến quyết định nghỉ việc của người lao động. Điều này vốn dĩ đã xuất hiện ở những năm trước, nhưng leo thang và trở thành xu hướng chung trên thế giới bởi hệ quả của COVID-19. Khảo sát của Indeed trong năm 2021 cũng cho thấy hơn 50% người lao động đang bị kiệt sức trong công việc, tình trạng này trước dịch là 43%. Theo Cục Thống kê Lao động của Hoa Kỳ, cuối tháng 7/2021, có 4 triệu người lao động đã bỏ việc.  

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lực lượng sản xuất. Nguyên nhân chính là vì làn sóng nghỉ việc về quê của công nhân sau khi thành phố nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10/2021.

Hệ luỵ nghỉ việc đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu người, đồng thời cấp quản lý phải đối diện với cuộc “khủng hoảng” mang tên không tuyển dụng được nhân tài.

“Vòng lặp” nghỉ việc – tuyển dụng dễ gây khủng hoảng trong doanh nghiệp nếu không sớm tìm được lối ra

Theo khảo sát tuyển dụng của Công ty tư vấn giải pháp quản lý nhân lực hàng đầu của Hoa Kỳ - Korn Ferry, 94% doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn “lấp khuyết” các vị trí bỏ trống do dịch bệnh. Tại Việt Nam, Báo cáo khảo sát của Talentnet-Mercer  cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt nhân sự ở cả hai miền. Cụ thể, phía Nam gặp khủng hoảng nhân lực trong ngành chăm sóc sức khỏe và dược; miền Bắc gặp tình trạng tương tự ở các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc của Talentnet nhận định: “Trước những thách thức bởi hậu quả của dịch bệnh, nếu doanh nghiệp gặp khủng hoảng một phần vì tài chính thì lại lao đao mười phần vì thiếu hụt lao động. Vì vậy, bài toán này đòi hỏi những nhà lãnh đạo cần nhanh chóng xây dựng một kịch bản chỉn chu để con thuyền doanh nghiệp được vận hành trơn tru”.

Kịch bản nào cho doanh nghiệp tuyển dụng và tận dụng nhân tài?

Để không rơi vào khủng hoảng vì vòng xoáy thiếu nguồn nhân lực, các doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc đến ba “chân lý 2 đủ” dưới đây:

Đủ phúc lợi – Đủ nguồn lực: Doanh nghiệp cần quan tâm và có chính sách chăm lo đời sống nhân viên, xây dựng lòng trung thành thông qua các phúc lợi và hoạt động gắn kết. Tuy vậy, điều này giúp doanh nghiệp giữ chân được đội ngũ lao động nhưng đồng thời lại đặt áp lực lên bộ phận nhân sự khi phải đảm đương nhiều việc cùng lúc. Để “giảm tải”, các công ty có thể cân nhắc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài như thuê ngoài tính lương để đảm bảo trả lương đúng hẹn cũng như hỗ trợ các vấn đề lương thưởng nhanh chóng.

Đủ trải nghiệm – Đủ đội ngũ: Doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc luân chuyển nội bộ, làm phong phú trải nghiệm của nhân viên với những vị trí mới, phù hợp với kỹ năng và tiềm lực. Theo báo cáo của Hiệp hội Quản lý Nguồn Nhân lực (SHRM), với cách vận hành này, tỷ lệ giữ chân nhân viên không chỉ lên đến 41%, mà doanh nghiệp còn tối ưu hoá được chi phí vận hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần khéo léo trong việc áp dụng chiến lược này bởi đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Khi đối diện với những thách thức mới, nhân viên có thể phải chịu nhiều áp lực hơn. Để không đẩy nhân viên vào tình trạng “quá tải”, công ty có thể xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần, hoặc lựa chọn thuê ngoài nhân sự cho một số vị trí để cân bằng khối lượng công việc cho nhân viên hiện tại.

Bài toán tuyển dụng và tận dụng nhân tài sẽ cần nhiều kịch bản ngắn và dài hạn phù hợp với nhu cầu của nhân viên theo thời cuộc

Đủ kỹ năng – Đủ nhân tài: Theo gợi ý của tạp chí HRO Today, kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp có thể dịch chuyển từ việc ưu tiên bằng cấp sang coi trọng kỹ năng. Góc nhìn này sẽ giúp các công ty mở rộng thị trường tuyển dụng và tiếp cận đến các ứng viên tiềm năng với đủ kỹ năng cần thiết. Dù vậy, với “cơn sốt” thiếu nhân tài như hiện nay, doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc tìm người thì thuê ngoài nhân sự cũng là một giải pháp ngắn hạn, giúp tìm kiếm “viện binh” kịp thời.

“Nguồn vốn con người sẽ không còn là bài toán nan giải khi mỗi doanh nghiệp đều sẵn sàng một kịch bản nhân sự ngắn và dài hạn chỉn chu. Tuỳ vào từng nhu cầu và tầm nhìn khác nhau, doanh nghiệp cần tỉnh táo đánh giá tình hình nhân lực thực sự của doanh nghiệp mình và nghiêm túc hoạch định chiến lược để vận dụng nguồn lực con người một cách tối ưu. Đại dịch chính là phép thử mà chỉ cần có sự chuẩn bị và linh hoạt thích ứng thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể giải được bài toán “mất người – tìm người” hiện nay”, bà Thanh Hương cho biết.

Khi làn sóng nghỉ việc vẫn đang là một thách thức cho doanh nghiệp trong tình hình hiện tại, thì các phương án hỗ trợ kịp thời để nhà lãnh đạo giải quyết “cơn khủng hoảng” này là điều cần thiết. Thuê ngoài tính lương giúp giữ chân và nuôi dưỡng nguồn lực sẵn có, trong khi thuê ngoài nhân sự có thể là một giải pháp “2 trong 1” giúp doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời  vòng lặp nghỉ việc – tuyển dụng, đảm bảo nguồn nhân lực tức thì cho doanh nghiệp hậu COVID-19.

"Checklist" đón nhân viên mới mùa Covid mà các nhà quản lý nhân sự cần biết
Trải nghiệm tích cực trong ngày đầu đi làm có thể tăng tỷ lệ gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp đến 25%. Tuy nhiên, sau đại dịch, làm thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư